Thị trường toàn cầu “thở phào” sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định chưa tăng lãi suất mặc dù vẫn để ngỏ khả năng này trong năm nay. Song điều này cũng không có nghĩa là thị trường sẽ có thêm 2 tháng hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ với lãi suất gần 0%.
Trái lại, việc trì hoãn này đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục bất an. Các nhà đầu tư từ lâu hưởng lợi từ dòng tiền giá rẻ vẫn sẽ phải sống trong nỗi sợ hãi. Họ lo sợ ngay cả trước những thông tin tích cực về kinh tế bởi đó có thể là tín hiệu Fed sắp tăng lãi suất. Với bất cứ thông tin tiêu cực nào, họ cũng đều tin tưởng rằng các chính và và ngân hàng trung ương sẽ tăng quy mô kích thích tiền tệ và tài khóa.
Trong bối cảnh bày, thì chiến lược đa dạng hóa hay lựa chọn cổ phiếu tiêu biểu không có tác dụng bởi tất cả các tài sản đều có mối tương quan ràng buộc lẫn nhau.
Với quyết định giữ nguyên lãi suất hôm qua, Fed đã chỉ ra bài học quan trọng.
Thứ nhất, Fed có thể bị chi phối bởi thị trường tài chính hay bởi các định chế ngang hàng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Thứ hai, hiện giờ, Fed không thể tăng lãi suất mà không tính đến những yếu tố liên quan đến bầu cử. Do đó, mặc dù Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, nhưng giới đầu tư hiện giờ cho rằng Fed chưa thể làm điều đó ít nhất cho đến tháng 1/2016.
Thứ ba, các tài sản thị trường châu Á và thị trường mới nổi không nên kỳ vọng quá nhiều vào động thái vừa qua của Fed. Nói cách khác, đà phục hồi của các thị trường này nhờ Fed hoãn tăng lãi suất sẽ chỉ chớp nhoáng bởi nhà đầu tư sẽ lại nhanh chóng lo ngại về một đợt tăng lãi suất tiếp theo. Như vậy, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục bốc hơi khỏi khu vực. Câu hỏi đặt ra là liệu mức độ bốc hơi sẽ tăng ở mức độ nào.
Thị trường tài chính nào sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất?
Theo nhận định của giới chuyên gia, các thị trường như Indonesia, Malaysia sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực của bốc hơi nguồn vốn. Trong khi đó, nội tệ của các thị trường như Australia, Singapore, New Zealand có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất từ bốc hơi nguồn vốn, đặc biệt khi thương mại toàn cầu tác động tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai và tăng trưởng kinh tế của các nước này.
Ngược lại, Đài tệ, peso của Philippines và nhân dân tệ có thể là những đồng tiền tốt nhất trong số các đồng tiền trong khu vực.
Quả thực, quyết định hoãn nâng lãi suất của Fed chỉ làm tăng lo ngại về giảm phát và nguy cơ một cuộc suy thoái toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á của Deutsche Bank, ông Taimur Baig, nhận định, điều này có thể sẽ tăng sức ép lên giới hoạch định chính sách để đối phó với làn sóng nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu tài khóa. Những kỳ vọng này sẽ tạo ra những hiệu ứng trái chiều giữa thị trường chứng khoán và trái phiếu châu Á. Hàn Quốc, Philippines, New Zealand được cho là có nhiều dư địa để hỗ trợ giá tài sản đầu tư nhất.
Minh Phương
Theo Barron’s Asia