Là nhân viên văn phòng, chị Hải Anh (ở trọ quận Bình Thạnh) chỉ đủ tiền mua chung cư giá rẻ tại Thủ Đức, TP HCM với giá tư vấn ban đầu là 840 triệu đồng, rộng 58 m2. Tuy nhiên, kể từ ngày giữ chỗ (nộp 20 triệu đồng) cho đến khi chính thức ký hợp đồng mua bán khoảng 2 tháng, căn hộ của chị được chào giá mới 900 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng.
Nữ khách hàng này chia sẻ, lúc đầu chị đã rất bức xúc và phản ứng lại với đơn vị môi giới vì tình trạng tăng giá căn hộ. Giải thích với khách hàng, phía môi giới cho biết vì ngay từ đầu chị không chọn mã số căn hộ cụ thể mà chỉ nói nhu cầu từ tầng 5-7 nên khi các tầng này hết hàng, khách phải chi thêm khoản chênh lệch do nhà đầu tư nhường lại. Nếu không chọn phương án này, chỉ còn cách chọn căn hộ khác đắt hơn vài trăm triệu đồng.
Cuối cùng vì không đủ tiền mua căn hộ diện tích lớn hơn trị giá 1,1-1,2 tỷ đồng, chị đành chấp nhận trả khoản chênh lệch trên để lấy căn 900 triệu đồng. "Tôi cứ nghĩ đã đóng tiền giữ chỗ, nói rõ diện tích và số tầng mình cần thì môi giới sẽ bảo vệ quyền lợi cho người mua. Thật không ngờ lại xảy ra thế này", chị Hải Anh bộc bạch.
Trường hợp khan hàng tương tự cũng khá phổ biến ở các dự án trung - cao cấp chào bán giai đoạn đầu. Anh Khôi (ngụ quận 7), một nhà đầu tư tìm mua căn hộ tại phường Thảo Điền, nằm gần tuyến metro đầu tiên của TP HCM cho biết: "Tôi liên tục gặp phải tình trạng khi hỏi căn diện tích nhỏ, căn góc, căn có view nhìn về trung tâm thành phố đều không còn hàng. Có căn view đẹp phải chi khoản chênh lệch 5% (gần 200 triệu đồng) nên đành đứng ngoài cuộc chơi".
Trải qua gần chục năm đầu tư bất động sản, anh Khôi cho rằng khả năng sốt hàng có thể xảy ra nhưng chỉ đúng với quy mô dự án 300 căn trở xuống, vị trí đắc địa, nhà thầu xây dựng uy tín, thương hiệu mạnh và giá bán hợp lý. "Các dự án tôi muốn đầu tư có quy mô hàng nghìn căn, giá khá đắt nhưng đụng đến tầng nào cũng hết hàng vì môi giới đã can thiệp thái quá đến thị trường", anh Khôi nhận xét.
Tình trạng khan hàng ảo đẩy giá bất động sản nhích lên cũng xuất hiện tại thị trường phía Bắc. Anh Giang (Nghĩa Tân, Hà Nội) dự định mua một căn hộ tại Cầu Giấy sau khi đi tham khảo nhiều nơi. Tuy nhiên, khi làm việc với nhân viên môi giới của một sàn độc quyền phân phối dự án, hầu hết những căn khách muốn mua đều đã bán hết.
"Họ lý giải là căn này đã có nhà đầu tư đặt cọc nên nếu muốn mua tôi phải chịu tiền chênh. Hiện căn tôi định mua có giá gốc 21 triệu đồng một m2 nhưng cả tiền chênh thì lên tới 26 triệu, tức là mất thêm gần 300 triệu mỗi căn gần 60m2", anh này nói.
Trong quá trình tìm hiểu mua nhà, anh Tuấn (Đống Đa) còn bị môi giới đưa vào một "ma trận" về giá cả căn hộ. "Mỗi ngày họ gọi cho tôi báo một giá khác nhau và tăng dần. Trong vòng 2 tháng mà tăng 2-3 triệu mỗi m2 và liên tục giục tôi xuống tiền. Tuy nhiên, thực tế tôi theo dõi thì thấy một số căn được rao bán khá lâu vẫn chưa giao dịch được nhưng môi giới vẫn báo giá tăng từng ngày", anh Tuấn nói.
Chuyện thị trường địa ốc đang có dấu hiệu ấm trở lại thời gian qua là có thực. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015 có khoảng 5.850 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2014. Riêng tháng 4 có khoảng 1.600 giao dịch, tăng 10% so với tháng trước đó.
Theo đánh giá của lãnh đạo một sàn bất động sản tại Hà Nội, việc một số dự án sốt đến mức tăng giá từng ngày hoặc bị chênh tới vài trăm triệu đồng có phần hơi quá so với nhu cầu thực. Đôi khi thị trường xuất hiện những mức giá, hoặc số lượng giao dịch cực kỳ khả quan. "Đây có thể chỉ là một chiêu thức dân môi giới hay dùng để tạo hiện tượng 'sốt giả' trên thị trường. Có khi khách hàng hỏi cả chục căn thì đều bị báo là hết hàng nên sẽ có cảm giác thị trường đang mua bán nườm nượp", ông lý giải.
Cũng theo ông, một số sàn có thể để cho chính môi giới ôm các căn hộ đẹp, nhưng khi khách hàng hỏi đến thì trả lời là hết, muốn mua lại phải chịu tiền chênh cả trăm triệu. Ông cũng nhận định, số liệu mở bán các căn hộ ở một số dự án hiện nay không hẳn đã đúng. "Có những dự án mở bán nhưng số lượng khách đến không nhiều, tuy nhiên vẫn thống kê con số bán hàng lên tới vài chục căn mỗi ngày", vị này nói.
Trong báo cáo công bố đầu quý II, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định hiện tượng tăng giá đột biến tại một số dự án trong những tháng đầu năm được cho là do môi giới "làm giá". Cơ quan này cũng nhận định đây là một trong các hoạt động chưa chuyên nghiệp của thị trường địa ốc hiện nay.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 7, TP HCM nhận xét, do nguồn cung ngày càng tăng mạnh, áp lực cạnh tranh quá lớn, bản thân các chủ đầu tư cũng không can thiệp sâu vào hoạt động bán hàng của môi giới. "Đây là một trong những nguyên nhân của các vụ khan hàng ảo trên thị trường", ông đánh giá.
Theo chuyên gia này, tuy mức độ tăng giá trên thị trường bất động sản vẫn ở ngưỡng chấp nhận được (10% trở xuống). Tuy nhiên, các thương vụ mua bán kèm theo tiền chênh lệch có thể lớn hơn tốc độ tăng giá, thường không được thống kê chính xác vì không ghi cụ thể trong hợp đồng. Điều này khiến cho thị trường đứng trước thách thức lớn trong việc nỗ lực phát triển bền vững và duy trì niềm tin lâu dài của người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư.
Tổng giám đốc Đất xanh Miền Bắc, Vũ Cương Quyết, thừa nhận thời gian qua có hiện tượng môi giới thổi giá ở một số dự án. Tuy nhiên, ông cho rằng, các chiêu trò nói trên chủ yếu chỉ xuất hiện với các đơn vị môi giới thiếu chuyên nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ.
"Những đơn vị làm ăn minh bạch, ký hợp đồng với chủ đầu tư để phân phối dự án hầu như không xảy ra tình trạng nói trên vì phải giữ uy tín với khách hàng. Hiện giờ người mua nhà có nhiều lựa chọn hơn, họ cũng kinh qua những bài học đắt giá thời thị trường khủng hoảng", ông Quyết nói.
Nguồn:VnExpress