Câu chuyện sản xuất kinh doanh của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường bất động sản chậm phục hồi một cách lành mạnh, nợ xấu ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải quyết… là những ví dụ được đề cập tới nhiều.
Về xử lý nợ xấu, đây là một trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra như một yêu cầu cấp bách cần thực hiện trong năm 2015, bản thân các ngân hàng cũng rất muốn xử lý nhanh nợ xấu nhằm giảm bớt áp lực tài chính…
Thực tế cho thấy, không thiếu những phương thức xử lý nợ xấu, tuy nhiên, vấn đề đang gặp phải là chúng ta đang thiếu những công cụ, cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý, thu hồi nợ xấu. Vậy, tạo công cụ, cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý, thu hồi nợ xấu bằng những cách nào?
Xã hội hóa việc mua bán nợ
Thứ nhất, bán nợ xấu là một trong những phương thức xử lý nợ xấu. Hiện nay, chúng ta đã thành lập Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Quốc gia (VAMC) để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng.
Việc bán nợ cho VAMC hiện nay cũng chưa phải là hình thức mua đứt, bán đoạn khoản nợ xấu vì sau khi bán nợ, các ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khác để thu hồi khoản nợ này. Do đó, trông chờ một mình vào khả năng của VAMC dường như không khả thi.
Theo tôi, để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu, chúng ta nên xã hội hóa việc mua bán nợ và xử lý nợ xấu bằng cách xây dựng cơ chế để các ngân hàng có thể bán được nợ xấu không chỉ cho VAMC mà còn cho các tổ chức kinh tế khác theo kiểu mua đứt, bán đoạn.
Ví dụ như xây dựng thị trường mua bán nợ xấu bằng cách cho phép tư nhân thành lập các công ty chuyên thu mua nợ xấu ngân hàng để tự xử lý hoặc các công ty chuyên kinh doanh nợ xấu (mua đi, bán lại).
Có thêm một kênh mua bán nợ (ngoài VAMC) chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn và giảm áp lực cho VAMC, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và giảm áp lực về vốn, về xử lý nợ vay cho chính các ngân hàng.
Thứ hai, bên cạnh việc hình thành thị trường mua bán nợ nêu trên, chúng ta cũng cần có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy các ngân hàng, VAMC, các tổ chức mua nợ xấu thu hồi được nợ xấu.
|
Luật sư Trần Đức Hùng, Văn phòng Luật sư Hùng Thịnh |
Khâu cuối cùng trong việc xử lý nợ xấu là thu hồi nợ xấu. Mua bán nợ, cơ cấu lại nợ cũng chỉ là các biện pháp mang tính kỹ thuật. Việc bán nợ cho VAMC hay cho bất kỳ tổ chức nào khác cũng chỉ là cách chuyển dịch chủ nợ.
Nếu chỉ mua bán nợ, cơ cấu lại nợ mà không tập trung các biện pháp để thu hồi nợ thì việc xử lý nợ xấu cũng chưa thể mang lại hiệu quả toàn diện. Cũng chẳng khác nào “rượu mới nhưng bình vẫn cũ”.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, thi hành án, cơ quan công an) là một cách để hỗ trợ, thúc đẩy việc thu hồi nợ xấu.
Hiện nay, pháp luật cho phép ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm để thu nợ vay nhưng bởi ngân hàng trong tay không có chế tài nên thực thi không dễ. Do đó, phổ biến vẫn là thu nợ vay thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng (khởi kiện yêu cầu trả nợ vay, phát mãi tài sản để thu hồi nợ).
Vấn đề là thủ tục tố tụng nêu trên còn rườm rà nên việc thu hồi nợ bằng phương thức này cũng không dễ. Trước mắt, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp, NHNN nên có một thông tư liên bộ để thống nhất đường lối xử lý đối với các tranh chấp nợ vay của các TCTD theo hướng: Yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh việc xử lý, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại; bãi bỏ các thủ tục không cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý…
Về lâu dài, nên ban hành và áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với các tranh chấp nợ vay vì bản chất, tranh chấp nợ vay không phải là các tranh chấp có nội dung pháp lý phức tạp nên cần áp dụng thủ tục tố tụng một cách nhanh, gọn hơn các tranh chấp khác.
Hiện nay, pháp luật quy định ngân hàng được quyền tự mình thu giữ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay. Nhưng trên thực tế, việc áp dụng quy định này gặp muôn vàn khó khăn do chưa có chế tài cụ thể đối với trường hợp chủ tài sản bảo đảm không tự nguyện giao tài sản để ngân hàng xử lý. Do đó, cần thiết phải quy định các chế tài xử lý trong trường hợp này.
Xử lý nợ trước giải cứu bất động sản
Thị trường bất động sản và nợ xấu có mối quan hệ gắn kết với nhau. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn, bất động sản là tài sản bảo đảm phổ biến, chiếm phần lớn tại các ngân hàng.
Do đó, từ trước tới nay chúng ta đều cho rằng giải cứu được thị trường bất động sản là giải pháp tốt để xử lý nợ xấu. Nhưng trong một tương quan khác, tôi cho rằng muốn giải cứu thị trường bất động sản thì phải có vốn, mà hiện nay nợ xấu chính là điểm làm ứ đọng vốn.
Vậy nên, chúng ta không thể giải cứu thị trường bất động sản khi mà chưa xử lý được vấn đề nợ xấu. Chúng ta không nên can thiệp vào thị trường bất động sản để hy vọng sẽ xử lý được nợ xấu mà nên chăng để cho thị trường bất động sản tự “rớt giá” về đúng với giá trị thực. Khi đó, ngân hàng cũng sẽ dễ bán được tài sản bảo đảm, từ đó việc xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng sốt ruột muốn bán tài sản thế chấp giá rẻ hơn giá thị trường để cắt lỗ nhưng cũng không thể bán thấp hơn mức giá thị trường vì sẽ dẫn đến khiếu nại của người vay; còn nếu bán tài sản bảo đảm bằng với mức giá thị trường thì khó bán vì thủ tục mua bán rắc rối hơn so với mua bán trên thị trường nên người mua họ cũng không mặn mà.
Do vậy, sẽ sai lầm nếu bỏ tiền để nuôi dưỡng một thị trường bất động sản đang bị méo mó về giá, vì như thế vừa làm cho thị trường bất động sản không khởi sắc hơn mà làm cho việc xử lý nợ xấu cũng trở nên ì ạch.
Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2015 là đưa nợ xấu ở các ngân hàng giảm xuống còn khoảng 3%. Nhìn về thực tế thì các ngân hàng vẫn đang đau đầu về vấn đề nợ xấu và đều thừa nhận việc xử lý nợ xấu không phải dễ dàng đạt được hiệu quả trong ngày một ngày hai. Do đó, trước mắt và dài hạn chúng ta nên chủ động áp dụng các biện pháp, công cụ xử lý, thu hồi nợ xấu linh động và hiệu quả hơn nữa.
Theo Luật sư Trần Đức Hùng, Văn phòng Luật sư Hùng Thịnh
Đầu tư Chứng khoán
Nguồn:Đầu tư Chứng khoán