menu search
Đóng menu
Đóng

Thanh long Việt "rộng cửa" vào thị trường gần 1,4 tỷ dân

11:05 21/01/2022

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Ấn Độ đã tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 – 2015 lên 52% trong năm tài chính 2018 – 2019. Thanh long Việt có nhiều cơ hội để mở rộng tại thị trường gần 1,4 tỷ dân này.
 
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á với gần 1,4 tỷ dân. Số lượng người ăn chay, có thói quen ăn uống với trái cây đông đảo. Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng.
Hiện nay, Ấn Độ đã bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang như: Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh, West Bengal, Telangana, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, quần đảo Andaman – Nicobar và một số bang vùng Đông Bắc Ấn Độ với diện tích khoảng 3.000 - 4.000 ha; sản lượng đạt 12.000 tấn/năm.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá nhìn chung sản lượng này là thấp. Quan trọng là chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon, ngọt như thanh long Việt Nam. Đây chính là cơ hội để mặt hàng này mở rộng hơn vào thị trường gần 1,4 tỷ dân.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 – 2015 lên 52% năm 2018 – 2019.
Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn dưới tiềm năng và nhu cầu của Ấn Độ.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cùng đồng hành với cơ quan nhà nước thực hiện các chương trình quảng cáo quy mô lớn tại Ấn Độ như thuê người nổi tiếng, quảng bá về lợi ích của của thanh Long với sức khỏe con người”, ông Hải kêu gọi.
Để thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường đầy tiềm năng này, ông Bùi Trung Thướng cho rằng, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ, từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ.
“Trên thực tế, trái thanh long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, các buổi tiệc, không xuất hiện nhiều trong các nhà hàng và đặc biệt là tại các siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong. Nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn, chế biến loại hoa quả này”, ông Thướng nói.
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường Ấn Độ; tăng cường công tác phối hợp giữa Đại sứ quán, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong việc trao đổi thông tin thị trường, mùa vụ, giá cả, doanh nghiệp, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
“Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, xây dựng mức giá hợp lý tại thị trường Ấn Độ, không cạnh tranh lẫn nhau về giá; kinh doanh phải đảm bảo chữ tín và chất lượng sản phẩm; ký kết hợp đồng đảm bảo chặt chẽ nhất là điều khoản về chất lượng, kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán, không chấp nhận thanh toán trả sau”, ông Thướng nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 925,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng lượng xuất khẩu thanh long năm 2021 của Việt Nam; tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 30,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,9%. Đứng thứ 3 là thị trường Ấn Độ với kim ngạch đạt 13,55 triệu USD, tăng 86,9% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 1,3%.
Thanh long hiện được trồng ở nhiều tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh: Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha), chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. 
Thanh Nguyễn

Nguồn:Thanh Nguyễn/haiquanonline

Link gốc