EU hiện là đối tác kinh tế-phát triển rất quan trọng của Việt Nam, là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất; là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư lớn thứ sáu của Việt Nam.
Về đầu tư, tính đến ngày 20/5/2024, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD với 2.571 dự án, chiếm 6,21% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. EU đứng thứ 6/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-EU và các nước thành viên có những dư địa rất lớn cần hợp tác thúc đẩy. Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) đang phát triển rất tốt đẹp trên tinh thần hợp tác, xây dựng. Hai bên đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam-EU; đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai bên. Trong khuôn khổ hợp tác nghị viện, các cơ chế/hình thức hợp tác, đối thoại liên nghị viện đang phát huy hiệu quả.
Các hoạt động xúc tiến thương mại
Trong năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới; thực hiện các hoạt động XTTM quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế; chú trọng triển khai các hoạt động XTTM, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao…
Năm 2024, thành phố Hà Nội có kế hoạch tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8-10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài, tổng kinh phí 180 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, tiếp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, đột phá tại thị trường mới như châu Mỹ La tinh, thị trường Halal… Tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng đó, hỗ trợ tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn nhằm hỗ trợ cho nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua.
Các chính sách
Điều chỉnh lãi suất: Trong xu hướng chung của thế giới là điều chỉnh giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại, ngày 6/6/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019, với mục tiêu ECB hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi lạm phát trong những tháng gần đây được duy trì gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Đây là động thái đáng chú ý trong bối cảnh áp lực lạm phát dai dẳng ở khu vực đồng EUR gồm 20 quốc gia.
ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Hội đồng điều hành ECB nêu rõ dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cũng như chính sách tiền tệ, hội đồng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định.
Áp thêm thuế xe điện Trung Quốc: Ủy ban châu Âu thông báo đánh thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ tháng 7/2024 để chống lại các khoản trợ cấp quá mức của Trung Quốc. Cụ thể, EU áp thêm thuế quan từ 17,4% đối với hãng BYD lên đến 38,1% đối với hãng SAIC, ngoài mức thuế 10% đã áp dụng.
Đây là các mức thuế tạm mà EU dự kiến áp dụng từ ngày 4/7, và EU sẽ tiếp tục điều tra đến ngày 2/11. Khi đó, các mức thuế quan chính thức, thường có hiệu lực trong 5 năm, có thể được áp dụng. EC cho biết họ sẽ áp mức thuế bổ sung 21% đối với các công ty hợp tác điều tra và 38,1% đối với các công ty được cho là không hợp tác.
Trung Quốc chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức trong quý đầu tiên. Một số nhà kinh tế cho rằng tác động kinh tế tức thời của các khoản thuế bổ sung này sẽ rất nhỏ. EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng Tư, trị giá 9 tỷ EUR (9,7 tỷ USD), chiếm khoảng 4% chi tiêu của hộ gia đình cho phương tiện đi lại.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel dự báo mức thuế 20%, tương đương với mức trung bình mà EU sẽ áp dụng, sẽ làm giảm 25% lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Lượng xe giảm xuất khẩu sang Eu đó sẽ được Trung Quốc chuyển sang các thị trường khác, trong đó có thể bao gồm Việt Nam.
Nguồn:Vinanet/VITIC