menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu da giày sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh

08:19 22/01/2023

Ngoài khối thị trường EAEU, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) khác đều tăng trưởng mạnh.
 
Năm 2022 ngành da giày Việt Nam về đích với 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 30% so với năm 2021. Nhìn lại kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành năm vừa qua, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay: 3 quý đầu năm 2022 xuất khẩu của ngành được đánh giá khá tốt tuy nhiên sang quý IV/2022 tình hình thị trường đã xấu đi khá nhiều, doanh nghiệp thiếu đơn hàng cho sản xuất.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang các khu vực thị trường vẫn tăng trưởng tốt: Mạnh nhất là Nam Mỹ, 11 tháng năm 2022 tăng 50,5% và liên tục tăng tại các khu vực khác như Bắc Mỹ 39,1%, châu Âu 47,5%, châu Á 28,4%, châu Đại Dương 39,4%.
Về từng thị trường riêng lẻ, Mỹ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 10,722 tỷ USD, tăng 37,3% so với 11 tháng năm 2021; thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 đạt 1,659 tỷ USD, tăng 8,6%; Bỉ là thị trường đứng thứ 3 với 1,613 tỷ USD, tăng 51,0%.
Lãnh đạo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cũng thông tin: Xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do như khu vực EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh và Bắc Ailen) và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh, lần lượt là 50,7%, 46,1%, 41,3% và 64,9%. Chỉ có thị trường EAEU, do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ucraina nên không có sự tăng tưởng, thậm chí sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm trước, âm 64,3%.
Tương ứng với xuất khẩu, sản xuất da giày tháng 12/2022 tăng 0,7% so với tháng 11/2022, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của ngành thời điểm tháng 12/2022 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về kết quả đạt được của ngành năm vừa qua, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng đó là sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp da giày trong nước.
Trong đó, sự đồng hành của Bộ Công Thương thông qua việc hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại là rất quan trọng. Thực tế năm vừa qua, Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo hiệu ứng quảng bá và tác động tốt tới mục tiêu phát triển dài hạn của ngành.
Có thể kể tới, Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam năm 2022 (Vietnam Footwear Summit 2022), nội dung tập trung vào các chủ đề nóng của ngành như: Tính bền vững, các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số trong thiết kế, chuỗi cung ứng và sản xuất; tham gia trưng bày tại Triển lãm về công nghệ và nguyên phụ liệu ngành da & thời trang da giày - APLF ASEAN 2022 tại Thái Lan; Hội chợ - Triển lãm Quốc tế Da & Giày lần thứ 22 - Việt Nam và Hội chợ - Triển lãm Quốc tế Sản phẩm Da & Giày – Việt Nam (IFLE 2022); thực hiện đề án: “Tổ chức tuyên truyền, quảng bá ngành Da – Giày tại thị trường nước ngoài” thuộc Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại 2022.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng bày tỏ: Vẫn có ý kiến cho rằng da giày là ngành gia công, xúc tiến thương mại không đóng góp gì nhiều trong xúc tiến xuất khẩu nhưng điều này không đúng. Ngành da giày mặc dù giá trị gia tăng chưa cao nhưng tạo ra việc làm lớn do đó rất quan trọng. Thực tế, việc suy giảm đơn hàng của ngành đã khiến cả Chính phủ, các Bộ ngành liên quan quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp để đưa đơn hàng về, tạo thuận lợi tối đa cho ngành phát triển.
“Tham gia hội chợ triển lãm không chỉ đưa đơn hàng về cho doanh nghiệp mà còn quảng bá tuyên truyền để phổ biến thông tin tới khách hàng về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, giúp trở thành là đối tượng ưu tiên đặt hàng”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói. Đồng thời cho hay: NIKE, ADIDAS đã chuyển 50% sản xuất về Việt Nam. Đây là 2 thương hiệu hàng đầu thế giới, khi chuyển sản xuất về Việt Nam kéo theo chuỗi cung ứng cũng như các nhãn hàng nhỏ. Điều này rất quan trọng bởi lẽ đã tạo ra hình ảnh ngành da giày Việt Nam là điểm đến uy tín, hấp dẫn.
“Năm 2023 được đánh giá cực kỳ khó khăn với xuất khẩu của ngành, nhất là trong nửa đầu năm. Tình trạng suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, EU- 2 thị trường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chưa có dấu hiệu cải thiện. Chúng tôi mong muốn, Chính phủ, Bộ Công Thương hỗ trợ ngành triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác, đơn hàng, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến uy tín”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói. 

Nguồn:Việt Nga/congthuong.vn

Link gốc