menu search
Đóng menu
Đóng

Mở cửa hệ thống phân phối bán lẻ từ ngày 1/1/2009: Phát triển hệ thống bán lẻ hàng dệt may ngang tầm khu vực

10:52 24/12/2008
Với vị trí xếp hạng thứ 9 trên thế giới về xuất khẩu và được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, ngành dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ lọt vào top 5 vào năm 2010. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp dệt may trong nước lại dường như “đuối sức” trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thời hạn ngày 1/1/2009 đã gần kề, vì vậy mà các doanh nghiệp không khỏi lo lắng khi ngành thời trang trong nước vốn đã gặp nhiều khó khăn tại thị trường nội địa nay lại càng khó hơn khi “cơn lốc” hàng hiệu tràn vào.
Song hành cùng thị trường 85 triệu dân, đây là một “mảnh đất” màu mỡ mà doanh nghiệp dệt may trong nước không thể bỏ qua. Chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ chiếm được khoảng 30% thị phần nội địa, phần còn lại thuộc về hàng ngoại nhập và các nhà may nhỏ trong nước. Hơn nữa, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp này vẫn chưa đủ mạnh, lại đang chật vật đối phó với những khó khăn tồn tại dai dẳng suốt những năm qua như: yếu về thiết kế mẫu mốt, phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh…

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết: Điểm mạnh của ngành may Việt Nam là trang thiết bị được đổi mới và hiện đại hóa tới 90%, lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề tốt, có khả năng sản xuất được các loại sản phẩm phức tạp, chất lượng cao. Nhưng bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt và phụ trợ còn yếu, 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, thiết kế mẫu mốt chưa phát triển, giá cả kém cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Theo Chủ tịch Vitas Lê Quốc Ân, do phải cạnh tranh với hàng ngoại và mức thuế nhập khẩu dệt may đã giảm xuống còn 5 - 20%, trong khi chúng ta chưa nhận thức hết được những thách thức, áp lực cạnh tranh khi hội nhập, dẫn đến việc thiếu chuẩn bị, thiếu phương án khi sản xuất kinh doanh khó khăn. Đặc biệt từ 1/1/2009, khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài thì sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn.

Hiểu một cách chính xác, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang, chỉ có hàng dệt may hướng đến thời trang! Do vậy, thời trang Việt Nam chủ yếu cạnh tranh ở giá thấp, hàng đại trà, cổ điển; có ưu thế nhất định về thời trang công sở (cổ điển) và thời trang trẻ nhưng chưa có thương hiệu, định hướng thời trang, mang hình ảnh của nhà thiết kế.
Cũng theo khảo sát, kênh phân phối có sức hút lớn nhất với người tiêu dùng hiện nay là các cửa hàng chuyên về sản phẩm thời trang và siêu thị. Và đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành thời trang Việt Nam khi mạng lưới bán hàng thiếu chuyên nghiệp, hoạt động tiếp thị quảng bá yếu, thiết kế lạc hậu. Nếu ngành dệt may trong nước không tích cực đầu tư làm chủ khâu nguyên liệu, thiết kế mẫu mã thì sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
* Từng bước khẳng định vị thế

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Vũ Đức Giang, hiện Tập đoàn đã thành lập 4 cửa hàng lớn có tầm cỡ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không bán sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ bán các thương hiệu sản phẩm của Vinatex. Đây sẽ là bước ngoặt, bước phát triển đột phá đẩy thương hiệu của hàng dệt may Việt Nam lên tầm cao mới. Nếu chúng ta không nhạy bén thì khi các sản phẩm cùng loại của các nước tràn ngập vào thị trường nội địa sẽ chiếm lĩnh vị trí và sẽ có giá thấp hơn nếu chúng ta làm không tốt".

Ngoài vai trò của Hiệp hội, là cơ quan tập hợp các doanh nghiệp vào một khối, Vinatex cũng có chính sách mời gọi nhiều đơn vị bên ngoài liên kết với Tập đoàn. Điều này tác động tới chính sách chung và bản thân các doanh nghiệp cũng muốn những thương hiệu sản phẩm của họ có chỗ đứng trong hệ thống ngành thời trang Việt Nam. Nó sẽ làm thay đổi cơ bản phương pháp quản lý và phát triển ngành thời trang, quảng bá thương hiệu cũng như phát triển hệ thống bán lẻ, bán sỉ.

Nói cho cùng phương pháp quản lý, kinh doanh mới là yếu tố quyết định tới sự phát triển của toàn ngành. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo ngành dệt may cần phải mở rộng thị trường nội địa, cân bằng hơn giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu để đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất. Thương hiệu và thời trang chính là mục tiêu dài hạn mà toàn ngành hướng đến, còn trước mắt ngành dệt may vẫn phải tập trung phát triển thị trường nội địa bằng việc giảm chi phí sản xuất và giá cả.
 

Nguồn:Vinanet