menu search
Đóng menu
Đóng

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6 năm 2015

14:38 02/06/2015
Bắt đầu từ tháng 6/2015, nhiều quy định, chính sách mới về ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành.

Bắt đầu từ tháng 6/2015, nhiều quy định, chính sách mới về ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất, điện lực và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa; Áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn, v.v ...

Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất, điện lực và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa

Từ ngày 01/6/2015, Thông tư số 06/2015/TT-BCT (Thông tư 06) của Bộ Công Thương ban hành ngày 23/4/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất, điện lực và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa bắt đầu có hiệu lực.

Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung 7 thông tư trong lĩnh vực hóa chất, điện lực và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, bao gồm: Thông tư số 01/2006/TT-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất độc và sản phẩm có hóa chất độc hại, tiền chất ma túy, hóa chất theo tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc dạng quản lý chuyên ngành của Bộ Công nghiệp; Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về khai báo hóa chất; Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 5 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; Thông tư số 33/2011/TT-BCT ngày 06 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, phương pháp, trình tự và thủ tục nghiên cứu phụ tải điện; Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện; Thông tư số 03/2009/TT-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và quy định chế độ báo cáo của Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ- CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An

Cũng từ ngày 01/6/2015, Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 2 quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-TTG ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTG ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Quyết định nêu rõ về việc sửa đổi Khoản 1 Điều 2 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có tổng diện tích khoảng 20.776,47 ha bao gồm: Phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 20.026,47 ha và diện tích 750 ha của Khu công nghiệp dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An. Phạm vi ranh giới Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được xác định: Ranh giới phần diện tích hiện hữu được xác định tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 2 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và ranh giới phần phạm vi điều chỉnh tăng thêm là 750 ha của Khu công nghiệp dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An thuộc xã Hưng Chính, thành phố Vinh và các xã Hưng Tây, Hưng Đạo và thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên.

Sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế xuất khẩu

Bắt đầu từ ngày 20/6/2015, Thông tư số 63/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực.

Theo đó, từ ngày 20/06/2015, mặt hàng sắn thái lát hoặc đã làm thành dạng viên (mã hàng 0714.10.11 và 0714.10.19) sẽ chịu mức thuế suất 5%. Cụ thể, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế bao gồm: sắn, củ dong, củ lan, a-ti-sô Jerusalem, khoai lang và các loại củ và rễ tương tự có hàm lượng tinh bột hoặc i-nu-lin cao, tươi, ướp lạnh, đông lạnh hoặc khô, đã hoặc chưa thái lát hoặc làm thành dạng viên; lõi cây cọ sago.

Áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 72/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ban hành ngày 12/05/2015. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/6/2015 và thay thế Thông tư số 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 và Thông tư số 133/2013/TT-BTC ngày 24/9/2013 của Bộ Tài chính.

Thông tư hướng dẫn cụ thể về các chế độ ưu tiên và các nguyên tắc áp dụng chế độ ưu tiên; Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên; Thủ tục thẩm định, công nhận, tạm đình chỉ, đỉnh chỉ doanh nghiệp ưu tiên; Thẩm quyền công nhận, tạm đình chỉnh áp dụng chế độ ưu tiên, trách nhiệm của cơ quan liên quan…; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên hoặc dự án ưu tiên hoặc do đại lý ưu tiên đứng tên trên tờ khai được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại Thông tư này đối với tất cả các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc. Ngoài các ưu tiên được quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp ưu tiên còn được hưởng các ưu tiên khác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thông tư cũng quy định điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan gồm: Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế: Trong thời hạn 02 (hai) năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương; Đối với đại lý làm thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đại lý làm thủ tục đứng tên bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và chức danh tương đương không vượt quá tỷ lệ 0,5% tính trên tổng số tờ khai đã làm thủ tục hải quan; Không nợ thuế quá hạn theo quy định.

Điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu: Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên; Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên; Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam từ 30 triệu USD/năm trở lên; Đại lý thủ tục hải quan có số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên. Không áp dụng điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với các doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.

Đối với dự án đầu tư trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trước khi cấp phép đầu tư đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, chủ đầu tư có hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên. Định kỳ 03 (ba) năm trên cơ sở quản lý rủi ro theo quy định.

Quy định về quản lý khí thải công nghiệp

Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Nghị định 38) về việc quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2015.

Nghị định 38 quy định rõ về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Nghị định này không quy định về quản lý chất thải phóng xạ, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Việc thu gom, vận chuyển chất thải từ khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện thống nhất như đối với chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại Nghị định này; không áp dụng quy định tại Chương VIII Nghị định này đối với phế liệu từ khu phi thuế quan, khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất.

Nghị định cũng quy định rõ đối với việc quản lý khí thải công nghiệp, chủ dự án, chủ cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp, trừ trường hợp chủ nguồn thải có hoạt động đồng xử lý chất thải thuộc đối tượng được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đối tượng được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường. Việc đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp được thực hiện khi cơ sở sản xuất vận hành chính thức hoặc khi cơ sở có kế hoạch thay đổi nguồn thải khí thải công nghiệp (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải).

Ngoài ra, chủ nguồn thải khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)

Nguồn:Internet