Những yêu cầu do luật pháp quy định bao gồm những vấn đề liên quan đến nhãn mác và hệ thống quản lý, dựa trên những mối quan tâm đến các vấn đề xã hội, môi trường, sức khoẻ người tiêu dùng và sự an toàn.
Bạn cần tuân thủ các quy định pháp lý của Anh và cần biết đến những yêu cầu bổ sung không mang tính chất pháp lý mà đối tác thương mại của bạn ở Anh có thể yêu cầu. Dưới đây là một số những yêu cầu cơ bản:
Qui định pháp lý:
Đối với đồ chơi và trò chơi, vấn đề về an toàn và tiêu chuẩn có thể tạo dựng hoặc phá vỡ niềm tin của người tiêu dùng. Do vậy, một bộ những quy tắc chung dành cho thị trường đồ chơi và trò chơi ở Châu Âu đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển dài hạn của ngành này tại Anh. Về lý thuyết, EU thực hiện nghiên cứu về ngành và sau đó xây dựng những quy định pháp lý rõ ràng, chặt chẽ về việc sản xuất và phân phối các mặt hàng đồ chơi và trò chơi và đưa ra thời hạn áp dụng trên toàn EU.
Kể từ năm 1990, đồ chơi tiêu thụ tại Anh phải tuân thủ các chỉ thị về an toàn của EU như không được chứa các chất gây nguy hiểm, phải được thiết kế và có cấu trúc không gây sát thương hoặc gây hại tới sức khoẻ.
Chỉ thị 88/378/EEC xác định những điều kiện an toàn tối thiểu đối với đồ chơi. Nội dung cụ thể về những yêu cầu này được nêu tại Bộ tiêu chuẩn CEN EN 71 do Uỷ ban Tiêu chuẩn Châu Âu (European Committee for Standardisation - CEN) ban hành, trong đó có quy định về mức độ âm thanh tối đa đối với từng nhóm đồ chơi khác nhau như đồ chơi có sử dụng tai nghe, đồ chơi xúc xắc, đồ chơi sử dụng nút dội âm thanh như súng ngắn và những loại tương tự, các loại đồ chơi phát ra âm thanh khác. Mức độ âm thanh tối đa không áp dụng cho các loại đồ chơi bao gồm đồ chơi dùng miệng để thổi, đồ chơi cầm tay (không dùng cơ) như chuông hoặc trống, đồ chơi điện tử không sử dụng tai nghe... Chỉ thị 88/378/EEC cũng đặt ra những yêu cầu đối với nhãn mác CE hợp lệ của đồ chơi dành cho trẻ em dưới 14 tuổi. Anh thực thi Chỉ thị này bằng việc ban hành Quy định về An toàn đối với Đồ chơi năm 1995 (Toys (Safety) Regulations 1995 (Statutory Instrument No. 204, 1995)). Chỉ thị 88/378/EEC cũng đưa ra những yêu cầu đối với việc gắn nhãn CE đối với sản phẩm.
REACH (một quy định đối với các loại hóa chất ở Châu Âu) là một ví dụ điển hình. Quy định này nhằm nhấn mạnh và ngăn các nhà sản xuất sử dụng những loại hóa chất có nguy cơ gây hại khi sản xuất đồ chơi và trò chơi.
Anh thực hiện Chỉ thị RoHS của EU bằng việc ban hành Quy định Hạn chế Sử dụng Các Chất Gây hại trong Thiết bị Điện và Điện tử (trong đó có đồ chơi) (Restrictions of the Use of Certain Hazardous Substances in Electrical and Electronic Equipment Regulations) kể từ năm 2005. Những chất như chì (7439-92-1), thủy ngân (7439-97-6), catmi (7440-43-9), crom hóa trị sáu (18540-29-9), polybrominated biphenyls (PBB) (59536-65-1), polybrominated diphenyl ethers (PBDE) bị cấm hoặc hạn chế sử dụng đối với đồ chơi kể từ ngày 1/7/2006.
Chỉ thị 91/338/EEC (sửa đổi từ Chỉ thị 76/769/EEC) hạn chế việc sử dụng catmi trong các sản phẩm tại EU, trong đó có đồ chơi. Anh đã thực thi chỉ thị này bằng việc đề cập các nội dung của chỉ thị tại các quy định bảo vệ môi trường của mình kể từ năm 1993. Anh cấm sản phẩm đồ chơi sử dụng hàm lượng catmi vượt quá mức 0,01% để tạo màu hay dùng làm chất ổn định và cấm hoạt toàn việc sử dụng catmi để tạo lớp mạ cho sản phẩm.
Về quy định đối với Phthalates, chất độc được sử dụng để làm mềm nhựa PVC, vật liệu sử dụng để sản xuất đồ chơi, Anh đã ban hành Văn kiện Pháp luật (Statutory Instrument) số 2916 ngày 06/11/2006 nhằm thực thi Chỉ thị số 2005/84/EC của EU có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2007. Do Phthalates có thể gây phá vỡ hóc môn, làm hại tinh hoàn, ảnh hưởng xấu đến gan và thận nên theo quy định của Anh, những sản phẩm đồ chơi chứa hàm lượng Phthalates vượt quá hạn mức cho phép (0,1% tổng trọng lượng sản phẩm) sẽ không được kinh doanh trên thị trường.
Quy định hạn chế sử dụng benzen trong đồ chơi tại Chỉ thị số 82/806/EEC của EU cũng được Anh áp dụng trong Văn kiện Pháp luật (Statutory Instrument) số 2116 của mình kể từ năm 1987. Đồ chơi chứa hàm lượng benzen vượt mức giới hạn cho phép là 5 mg/kg sẽ không được phép kinh doanh tại Anh.
Trong thực tế, những quy tắc và quy định trên và nhiều quy định liên quan khác rất khó được tuân thủ trên toàn EU do các quốc gia thành viên có sự khác biệt về văn hóa, hệ thống, thể chế và cách xử lý cũng như bảo đảm việc tuân thủ. Do đó, khá nhiều mặt hàng đồ chơi và trò chơi không tuân thủ các tiêu chuẩn của EU đã và đang thâm nhập vào thị trường Anh thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau.
Yêu cầu không mang tính pháp lý:
Nhà nhập khẩu Anh có thể đặt ra một số yêu cầu đối với nhà cung cấp đồ chơi từ các nước đang phát triển liên quan đến các vấn đề về sức khoẻ nghề nghiệp, an toàn đối với môi trường và xã hội... Nhiều khách hàng Anh đòi hỏi các sản phẩm đồ chơi phải được sản xuất trong những điều kiện lao động có thể chấp nhận với mức tiền công hợp lý, trong đó cơ sở sản xuất đồ chơi phải áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, phòng tránh tai nạn lao động trong quá trình sản xuất; giữ gìn vệ sinh khu vực sản xuất; áp dụng đúng quy trình xử lý hóa chất và quản lý lưu kho, v.v...
Bao gói, ký mã hiệu và nhãn mác:
Chỉ thị An Toàn đối với Đồ chơi (Toy Safety Directive) số 88/378/EEC quy định trên nhãn mác của một số loại đồ chơi cần có thông tin cảnh báo nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng bao gồm:
· Đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
· Các loại ván trượt hoặc những đồ chơi tương tự phải có kèm hướng dẫn sử dụng để người dùng chú ý kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên những bộ phận chính của đồ chơi.
· Đồ chơi sử dụng dưới nước...
Những loại đồ chơi sử dụng bao gói bằng vật liệu gỗ nhập khẩu vào Anh phải tuân thủ các quy định liên quan của EU nói chung về vấn đề kiểm dịch nhằm bảo vệ EU khỏi bị ảnh hưởng bởi những sinh vật gây hại.
Thuế suất và hạn ngạch:
Thông tin về thuế suất và hạn ngạch đối với đồ chơi có tại http://export-help.cec.eu.int/
Nguồn:Tin tham khảo