menu search
Đóng menu
Đóng

Đề xuất thí điểm đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ODA

17:23 17/06/2015

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ xem xét, cho phép lĩnh vực nhà ở xã hội nói chung và dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” được sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi.
Mô hình này được thực hiện theo quy định tại khoản 9, Điều 7 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn ODA và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, từ cuối năm 2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký danh mục dự án ODA, sử dụng nguồn tài trợ KOICA Hàn Quốc đối với dự án xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, văn bản này chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận với lý do nhà ở xã hội không thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Từ nghiên cứu thực tiễn, Bộ Xây dựng cho hay, từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014, thông qua chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã tập trung thúc đẩy hợp tác chuyên ngành thông qua hoạt động trao đổi đoàn và ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác phát triển nhà ở.

Theo đó, Bộ Xây dựng Việt Nam đã phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LH) thực hiện thành công Dự án “Đề xuất chính sách pháp luật để phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam.”

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu chung đã đạt được và với mục tiêu tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị của Việt Nam, Bộ Xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng đề xuất Dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” và đề nghị KOICA Hàn Quốc xem xét tài trợ.

Trước đây Hàn Quốc cũng đã từng phải đối mặt với thách thức về nhu cầu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị.

Ngay từ những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai thực hiện mô hình xây dựng, đầu tư và quản lý nhà ở xã hội, bằng cách đầu tư một số vốn nhất định, đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở xã hội cho các gia đình có thu nhập thấp.

Nhờ đó, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng.

Ngày 29/10/2014, Bộ Xây dựng nhận được công thư của KOICA Hàn Quốc thông báo rằng đề xuất dự án nêu trên đã được KOICA xếp hạng cao và sẽ được KOICA xem xét tài trợ trong tài khóa 2016.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa dự án nêu trên vào Danh mục dự án yêu cầu tài trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam.

Theo Bộ Xây dựng, quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 về các hình thức phát triển nhà ở xã hội đã quy định Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…

Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thì lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và nguồn vay ưu đãi là: phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, giảm nghèo…

Trong hệ thống chính sách bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề đáp ứng nhu cầu nhà ở đối với người có thu nhập thấp, người nghèo có một vị trí đặc biệt quan trọng do nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay vốn ưu đãi.

Mặt khác, tại khoản 9 Điều 7 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số lĩnh vực ưu tiên khác được sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu mô hình đầu tư, mẫu thiết kế nhà ở xã hội phù hợp, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở tại khu vực đô thị từ nay đến năm 2020, nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Dự án đặt ra mục tiêu cụ thể là dự báo nhu cầu, xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu mô hình đầu tư, mẫu nhà phù hợp để xây dựng tại các khu vực đô thị của Việt Nam; nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội tại một số đô thị của Việt Nam; nâng cao năng lực kỹ thuật và hành chính của ngành Xây dựng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, những hiểu biết và cách thức triển khai xây dựng chương trình tổng thể, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thông qua việc đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách và cán bộ kỹ thuật của Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng khẳng định, việc triển khai dự án này là rất cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Nguồn:Vietnam+