Tại hội thảo về vốn ODA mới diễn ra gần đây, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc thu hút và sử dụng loại vốn nay hiện nay hiệu quả chưa cao, chưa thực sự gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, chi phí vốn vay thực tế không hoàn toàn rẻ. Thậm chí được nhận định là đắt với chi phí đặc biệt cao so với việc sử dụng các nguồn vốn trong nước, và điều này có thể thấy rõ khi so sánh chi phí xây dựng cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ.
Liên quan vấn đề này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã lên tiếng giải thích nhằm làm rõ các ý kiến trên. Qua đó khẳng định vốn vay ODA từ Nhật không làm đội chi phí xây cầu Cần Thơ.
|
Nguồn: JICA |
Cầu Mỹ Thuận là cầu cáp treo bắc qua sông Mê Công được xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc, với chi phí khoảng 66 triệu USD.
Cần Cần Thơ là cầu cáp treo tại thành phố Cần Thơ, bắc ngang qua sông Hậu và nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long của đồng bằng sông Mê Công. JICA đã hỗ trợ vốn vay ODA để xây dựng cầu Cần Thơ với chi phí xây dựng là khoảng 240 triệu USD.
JICA cho biết, khi so sánh chi phí xây dựng hai cây cầu mà thời gian xây dựng rất xa nhau, cần thiết phải tính đến yếu tố trượt giá cũng như diện tích xây dựng. Cụ thể:
Cầu Mỹ Thuận được hoàn thành năm 2000, trong khi cầu Cần Thơ được hoàn thành năm 2010, khi mà giá nguyên vật liệu ở Việt Nam tăng gần gấp đôi mức giá của năm 2000.
Bên cạnh đó, diện tích thi công cầu Cần Thơ gần gấp đôi diện tích cầu Mỹ Thuận, vì vậy, có thể nói không có chênh lệch lớn về chi phí thi công của 2 cây cầu này nếu tính đến yếu tố trượt giá và quy mô xây dựng.
Về ý kiến nếu sử dụng nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II sẽ giúp giảm được 1/3 chi phí thay vì việc sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản, JICA khẳng định: Rất khó thuyết phục khi nói chi phí giảm đến 1/3 mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền vững của công trình.
Theo JICA, khi xem xét các nghiên cứu khả thi trước đó, bao gồm một nghiên cứu khả thi do chính Bộ Giao thông Vận tải tiến hành và một nghiên cứu khả thi khác do JICA tiến hành đều cho ra kết quả chi phí tương đương nhau (Dự toán của Bộ Giao thông vận tải: 2.047 tỷ đồng; JICA: 2.193 tỷ đồng).
Trước đó, vào tháng 3/2015, cảng Đà Nẵng đã từ chối tiếp nhận vốn ODA của Nhật Bản cho dự án trên, và quyết định huy động các nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là "quyết định dũng cảm" vì đã giúp tiết kiệm được 1/3 chí phí xây dựng khi sử dụng nguồn vốn trong nước thay vì sử dụng nguồn vốn ODA.
Theo Mạnh Nguyễn
BizLIVE
Nguồn:BizLIVE