menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều DN du lịch bị phong tỏa tài khoản do nợ tiền thuê đất

16:14 12/10/2015

Chủ đầu tư các resort thường dành nhiều diện tích để cho cây xanh, cảnh quan và than phiền là không công bằng nếu tiền thuê đất của diện tích này được tính bằng với diện tích xây dựng, kinh doanh - Ảnh: Đào Loan

Nhiều doanh nghiệp du lịch, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư resort, khu du lịch đã bị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản do nợ tiền thuê đất. Doanh nghiệp cho rằng, không phải cố ý nợ mà do tiền thuê đất quá cao, khiến doanh nghiệp khó trả.
Doanh nghiệp du lịch ở rất nhiều địa phương như TPHCM, Phan Thiết, Hà Nội... đã than phiền về tình trạng này. Thậm chí, có nơi doanh nghiệp cho biết, do điều chỉnh giá thuê đất nên tiền thuê đất chiếm đến 25 thậm chí 30% doanh thu của doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp, cách tính tiền thuê đất cho những doanh nghiệp này có hai vướng mắc lớn. Đó là, nhà nước tính tiền thuê đất dùng để trồng cây xanh, tạo cảnh quan trong khu du lịch ngang bằng với đất xây dựng, kinh doanh. Ở nhiều khu du lịch, phần đất tạo cảnh quan chiếm 50%, thậm chí cao hơn, trong tổng diện tích.

Vướng mắc thứ hai là do giá thuê đất tăng cao trong những năm gần đây nhưng Chính phủ chỉ mới gỡ được giá thuê cho năm 2013-2014 còn trước đó, năm 2011-2012 thì vẫn vướng.

Chẳng hạn, năm 2010, tiền thuê đất của Khu du lịch Sài Gòn Mũi Né là 192 triệu đồng thì đến năm 2012 tăng lên 1,47 tỷ đồng, Palmira từ 167,5 triệu đồng của năm 2010 lên hơn 1,28 tỷ đồng vào năm 2012, resort Cocobeach từ hơn 114,6 triệu đồng lên thành hơn 877 triệu đồng, khu Thiên Hà từ hơn 40,9 triệu đồng tăng lên 327,6 triệu đồng hay Mũi Né Bay resort từ 84 triệu đồng tăng lên 672 triệu đồng...

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, nơi có hàng trăm doanh nghiệp vướng quy định về tiền thuê đất, cho biết tiền thuê đất của năm 2011-2012 tăng quá cao, tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 2010. Sau đó, Chính phủ có gỡ rối, đồng ý giảm 50% tiền thuê đất cho năm 2013-2014 và nếu sau khi giảm, giá vẫn còn cao gấp 2 lần so với giá thuê của năm 2010 thì được giảm tiếp.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở đây là do giá thuê đất năm 2011-2012 quá cao nên nhiều công ty vẫn còn nợ và doanh nghiệp cần một biểu giá thuê đất ổn định lâu dài để tính chuyện làm ăn, đầu tư dài hạn.

"Giá cao và thay đổi thất thường ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận vướng quy định này," ông Khoa nói và cho biết thêm nhiều công ty do nợ tiền thuê đất đã bị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản, không cho phát hành hóa đơn nên không kinh doanh được.

Thông tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết bộ đã ghi nhận tình hình này từ nhiều địa phương trên cả nước và đã có dự thảo đề xuất một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó đề nghị giảm 50% tiền thuê đất đối với phần diện tích sử dụng để trồng cây xanh và các công trình tạo cảnh quan; giảm tiền thuê đất cho năm 2011-2012...

Theo Đào Loan
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn:Thời báo Kinh tế Sài Gòn