Anh Hoàng Đức Tiến (29 tuổi), quê Hải Dương vừa từ bỏ chiếc iPhone 3GS mua từ năm 2013 với giá hơn 3 triệu đồng để lên đời một chiếc iPhone 5 đã qua sử dụng. Chiếc máy mới của Tiến có giá hơn 5 triệu đồng.
Anh cho biết, iPhone 5 hiện không còn hàng mới tại Việt Nam, những chiếc máy bán trên thị trường phần lớn đều là hàng "dựng". Mặc dù vậy, anh vẫn chấp nhận mua bởi đã có kinh nghiệm sử dụng iPhone 3GS hàng dựng và hài lòng về chất lượng của máy.
Trường hợp người dùng biết rõ iPhone hàng dựng nhưng vẫn mua không phải hiếm tại Việt Nam.
|
Giá bán quá tốt là nguyên nhân cho sự tồn tại của hàng dựng
|
Theo nghiên cứu của GfK, giá trị trung bình của một chiếc iPhone chính hãng bán ra tại Việt Nam là gần 17 triệu đồng. Trong khi đó, mức giá phổ biến người dùng sẵn sàng chi cho một chiếc smartphone thông thường ở mức 3-5 triệu đồng. Rõ ràng, giá bán quá cao của hàng chính hãng khiến người dùng khó tiếp cận và tìm đến những giải pháp khác, trong đó có việc lựa chọn iPhone hàng dựng, vốn có giá chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng cho các model đời cũ.
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng - quản lý một cửa hàng di động tại Phạm Văn Đồng (Hà Nội), cái nhìn của người dùng về iPhone hàng dựng hiện nay đã khác nhiều so với trước. Bản thân các đơn vị kinh doanh nghiêm túc cũng chủ động cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, thay vì lập lờ để lừa khách mua. "Trước đây, iPhone hàng dựng thường được đóng như mới, bán giá rẻ hơn để lừa những người mua tham rẻ. Hiện tượng này bây giờ vẫn tồn tại nhưng chỉ xuất hiện ở một số đơn vị kinh doanh kém uy tín", anh Tùng cho hay.
Theo anh này, khi nào cửa hàng và khách mua còn gặp nhau ở một "giao điểm", khi ấy iPhone dựng vẫn có đất sống tại Việt Nam. Cụ thể, người yêu thích iPhone cần tìm một sản phẩm giá rẻ hơn so với hàng chính hãng, chất lượng đủ tốt, trong khi cửa hàng có thêm nhóm đối tượng khách hàng mới, thay vì tập trung ở những sản phẩm xách tay giá cao, vốn không dành cho số đông.
Về chất lượng của những chiếc iPhone hàng dựng, anh Hoàng Tân - chủ một shop di động tại Thái Hà (Hà Nội) cho biết, nếu sản phẩm không đủ tốt, rất khó để chúng tồn tại lâu trên thị trường. Từng kinh doanh nhiều mặt hàng di động khác nhau, anh Tân khẳng định, kinh doanh iPhone, kể cả iPhone hàng dựng, nhàn hơn nhiều so với máy Android. Theo anh này, tỉ lệ lỗi vặt của iPhone thấp, đa số máy hoạt động ổn định.
|
Hàng dựng sẽ đi theo một bộ phụ kiện chất lượng thấp
|
Anh Nguyễn Huy - thợ sửa iPhone trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, công nghệ đóng lại iPhone từ Trung Quốc đã tiên tiến hơn nhiều so với trước kia. Theo anh này, các cơ sở đóng lại iPhone chuyên nghiệp tại Thẩm Quyến, Trung Quốc đều có khuôn mẫu linh kiện tuồn từ nhà máy sản xuất iPhone ra nên tỉ lệ lỗi linh kiện giảm đi trông thấy trong vài năm qua. Đó cũng là lý do iPhone hàng dựng được tin tưởng nhiều hơn so với trước kia.
Tuy nhiên, anh Huy khẳng định, chất lượng iPhone hàng dựng vẫn có khoảng cách nhất định so với máy nguyên bản. "iPhone hàng dựng thường được chia thành 3-4 cấp", anh Huy chia sẻ. Những máy cấp 1, cấp 2 thường giữ nguyên phần lớn linh kiện xịn, chỉ thay hoặc mài lại vỏ cho bóng. Trong khi đó, sản phẩm cấp 3, cấp 4 thường chỉ giữ lại main và module camera, các chi tiết khác như loa, mic, màn hình có thể đã bị thay thế.
Những đơn vị cung cấp hàng loại 1, loại 2 thường sẵn sàng cung cấp chế độ bảo hành dài (6 tháng đến một năm), hoặc cho đổi trả dễ dàng bởi chất lượng máy còn tốt. Anh Huy cảnh báo người dùng nên cẩn trọng trước những sản phẩm được chào bán giá quá rẻ hoặc có chế độ bảo hành, đổi trả không minh bạch khi đi mua iPhone hàng cũ, vốn phần lớn là hàng dựng hiện nay.
Theo Thành Duy
Zing.vn
Nguồn:Zing.vn