menu search
Đóng menu
Đóng

Khuyến công Đăk Lăk: Phát huy hiệu quả nguồn kinh phí

09:52 13/04/2017

Vinanet - Mặc dù nguồn kinh phí hạn chế nhưng các chương trình khuyến công của tỉnh Đăk Lăk vẫn hiệu quả, vì địa phương đã đưa những quy định tổ chức thực hiện và quản lý phù hợp, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, tránh chi phí phát sinh không cần thiết. 
Báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk cho biết, năm 2016, trung tâm đã triển khai 15 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 2.837 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.377 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng. Các đề án tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Theo đánh giá chung, các đề án trung tâm triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT phát triển sản xuất, tăng đáng kể doanh thu. Điển hình như: Hỗ trợ máy móc, thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột, công suất 60 - 100 kg nguyên liệu/mẻ tại Công ty CP sản xuất cà phê bột Trung Hòa, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar với tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng (kinh phí khuyến công hỗ trợ 95 triệu đồng); hỗ trợ không hoàn lại 90 triệu đồng cho Công ty Đông Phương Ea Kar đầu tư máy móc, thiết bị mới 100% trong dây chuyền sản xuất bao bì từ phế liệu tái chế; hỗ trợ máy móc, thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột, công suất 60kg nguyên liệu/mẻ tại Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Nguyên, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo với tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng...
Ông Nguyễn Văn Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk - cho biết, mặt dù nguồn kinh phí hạn chế nhưng các chương trình khuyến công của tỉnh vẫn hiệu quả vì địa phương đã đưa ra những quy định tổ chức thực hiện và quản lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, tránh chi phí phát sinh không cần thiết. Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh được hỗ trợ chủ yếu cho các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực thế mạnh và các nội dung hỗ trợ theo quy định hiện hành về khuyến công, mức chi được quy định rất cụ thể.
Theo đó, mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để sản xuất sản phẩm mới tối đa 30% chi phí nhưng không quá 50% cho một mô hình, khuyến công hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Với những cơ sở sản xuất hiệu quả cần phổ biến nhân rộng mô hình, chi hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất tối đa 50% chi phí.
Mức chi thưởng cho sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn đạt giải cấp tỉnh không quá 4 triệu đồng/sản phẩm; đạt giải cấp huyện không quá 2 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/thương hiệu; hỗ trợ hình thành cụm liên kết doanh nghiệp, công nghiệp tối đa 50% chi phí nhưng không quá 120 triệu đồng/cụm liên kết...
Để tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, theo ông Phạm Hữu Thành - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk, cần bố trí thêm ngân sách hàng năm vì hiện nay nguồn kinh phí khuyến công địa phương mới chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu. Mức hỗ trợ cho từng đề án chưa đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk được giao kế hoạch thực hiện 18 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 2.500 triệu đồng.
Nguồn: Lê Cương/Báo công thương điện tử