menu search
Đóng menu
Đóng

Lý do dệt may Việt lao đao, dệt may nhiều nước vẫn sống khỏe

10:00 12/05/2023

Đã có khoảng 50% doanh nghiệp dệt may Việt Nam rời khỏi cuộc chơi do không xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong ba tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 8,7 tỉ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng sụt giảm 30%-60% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu dệt may Việt Nam sụt giảm mạnh khiến hàng loạt công ty lao đao thì dệt may một số nước vẫn “sống khỏe”.
Đối thủ thắng nhờ tiêu chí xanh
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết doanh thu toàn ngành dệt may trong quý I-2023 giảm hơn 18,6%. Tuy nhiên, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… vẫn đón nhận nhiều đơn hàng vì họ có công nghệ cao, có vùng nguyên liệu và thực hiện được tiêu chí xanh nên không bị ảnh hưởng nhiều.
“Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, các nước đã chủ động chuẩn bị cho kinh tế xanh, doanh nghiệp (DN) xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu và các thị trường khác. Trong khi đó, các công ty Việt chưa chuẩn bị tốt cho vấn đề này và hiệp hội cũng chưa phát huy tốt vai trò tư vấn cho Chính phủ xác định các mục tiêu trong từng giai đoạn nên DN rất lúng túng” - ông Việt thừa nhận.
Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM dẫn chứng: Hiện nay, các nước gần Việt Nam như Thái Lan đã hình thành các khu công nghiệp dệt may công nghệ 4.0. Còn tại Việt Nam, ngành dệt may trước giờ bị cho là ngành gây ô nhiễm nên các khu công nghiệp không chào đón. Bên cạnh đó, với các công nghệ cũ đã tồn tại 10-15 năm thì các đơn vị gặp lúng túng trong phương án chuyển đổi. Do đó, Việt Nam không hình thành được các khu công nghiệp dệt may mới hiện đại.
Hơn nữa, ngành dệt may một số nước như Bangladesh được hỗ trợ rất lớn từ nhà nước. Đơn cử với một chiếc máy laser trị giá khoảng 10 tỉ đồng, nhà nước bảo lãnh cho một DN mua 200 máy qua cơ chế giảm thuế, hỗ trợ lãi vay ưu đãi… nên họ chuyển đổi xanh rất nhanh. Trong khi đó, trước đây các tỉnh, thành của Việt Nam có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành dệt may nhưng vài năm trở lại đây cắt giảm ưu đãi.
“Đó là chưa kể chi phí cao nên dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá. Hiện chi phí nhân công của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao hơn so với các nước như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ. Mặt bằng chung hiện nay chi phí lương trên sản phẩm xuất khẩu của Bangladesh chỉ bằng 50% của Việt Nam” - ông Việt phân tích.
Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may Thành Công kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết chính phủ Bangladesh và các tổ chức quốc tế ưu tiên hỗ trợ rất nhiều cho ngành dệt may quốc gia này phát triển xanh. Ví dụ, chính phủ Bangladesh khuyến khích nhà máy dệt may nào đạt tiêu chuẩn xanh sẽ được giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp so với các công ty khác.
“Hiện nay chỉ một số công ty Việt có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể tự đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu của khách hàng. Một số công ty khác đang thực hiện các tiêu chuẩn xanh nhưng ở mức chậm hơn nhằm giữ chân khách hàng” - ông Tùng nói.
Tiêu chuẩn xanh rất quan trọng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Như Tùng nhấn mạnh tiêu chuẩn xanh là yếu tố rất quan trọng và mang tính bền vững với ngành dệt may. Bởi trong tất cả thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều đề cao yếu tố phát triển bền vững sản xuất xanh.
Đặc biệt, thị trường châu Âu đặt yếu tố xanh lên hàng đầu đối với nhà sản xuất hàng dệt may. Theo đó, đến năm 2025, châu Âu sẽ đánh thuế cao carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.
Từ thực tế này, ông Tùng nhấn mạnh: “Các DN Việt đã nhận thức phải phát triển xanh nhưng để họ tự bơi rất khó. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ tương tự như Bangladesh hoặc hỗ trợ bằng lãi vay ưu đãi để DN đầu tư nhà máy xanh. Việt Nam muốn đẩy mạnh xanh hóa các ngành dệt may, da giày… thì cần có giải pháp hỗ trợ thêm để DN mạnh dạn đầu tư”.
Giải thích thêm về sản xuất xanh, ông Tùng cho rằng việc đầu tư sản xuất xanh rất tốn kém. Ví dụ, châu Âu ra quy định nhà máy nào sử dụng lò hơi xả thải lượng carbon nhiều sẽ bị đánh thuế cao hoặc không được nhập hàng vào châu Âu. Tuy nhiên, đa số nhà máy dùng lò hơi ở Việt Nam đều đốt bằng than đá, muốn chuyển qua đốt bằng nguyên liệu sinh khối thì phải đầu tư lại thiết bị rất tốn kém, chưa kể nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn.
Đại diện một số công ty dệt may cũng thừa nhận ngành dệt may Việt Nam khó còn có thể cạnh tranh về giá so với các nước như trước đây, vì vậy nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh thì sẽ bị đào thải. Thực tế cho thấy đã có khoảng 50% công ty dệt may rời khỏi cuộc chơi khi không xanh hóa chuỗi sản xuất. Hiện chỉ có khoảng 16% công ty đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để vào châu Âu. Như vậy các công ty Việt đã chậm hơn so với các nước nên bây giờ muốn xanh hóa cần phải hoạch định rõ ràng.
Mặt khác, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu để được hưởng ưu đãi thuế. Thế nhưng nguyên phụ liệu Việt Nam chỉ đáp ứng cho sản phẩm thông thường, những sản phẩm thời trang cao cấp nguyên liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… dẫn đến các công ty Việt hưởng các ưu đãi thuế còn hạn chế. Vì vậy, nếu không thay đổi công nghệ, chủ động nguyên liệu… thì dệt may sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Khó mang về 48 tỉ USD trong năm nay

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), nhìn nhận Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới đặt ra nhiều tiêu chuẩn về xanh hóa. Vì vậy, xuất khẩu dệt may sẽ ngày càng khó khăn hơn.
“Năm 2023, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu dệt may có thể thu về 48 tỉ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới, đặc biệt xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ…” - ông Điền nhận định.
 

Nguồn:plo.vn

Link gốc