menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển cụm công nghiệp: Còn thiếu hành lang pháp lý

08:48 07/06/2016

Kỳ cuối: Xây dựng cơ chế phù hợp

Để khắc phục những bất cập trong quản lý và phát triển cụm công nghiệp (CCN) hiện nay, trước hết, cần xây dựng cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, phù hợp…

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý, phát triển CCN. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ hoàn thành và đang trình Chính phủ phê duyệt.

Nghị định này quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN; chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với CCN. Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong CCN...

Trong hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo lần 2 được tổ chức mới đây tại Nam Định, hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng Nghị định là cần thiết. Mục tiêu của việc thành lập, phát triển CCN nhằm di dời, thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn vào sản xuất, hoạt động. Tuy nhiên, các CCN này phần lớn có vị trí không thuận lợi, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém. Vì vậy, cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với CCN cao hơn so với ưu đãi, hỗ trợ khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bên cạnh đó, để giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn đầu tư vào CCN, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ; tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với dự án đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN.

Ông Đặng Nguyên Khang - Giám đốc Công ty đầu tư hạ tầng Sông Hồng (Bắc Ninh) - cho rằng, Nghị định nên giao cho tỉnh và cơ quan đầu mối là Sở Công Thương tham mưu giúp tỉnh quy định thành lập CCN theo định hướng phát triển ở địa phương và do địa phương quản lý. Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ chủ đầu tư hạ tầng và cơ quan quản lý nhà nước; chủ đầu tư hạ tầng với doanh nghiệp thứ cấp đầu tư vào CCN; đơn vị đầu tư thứ cấp với cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, việc có quá nhiều mô hình quản lý CCN (doanh nghiệp đầu tư quản lý, Trung tâm phát triển CCN, UBND huyện quản lý…) đã dẫn đến “độ vênh” lớn trong thực hiện chính sách quản lý, xây dựng phát triển CCN. Vì vậy, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, cần cân nhắc lựa chọn mô hình phù hợp, ưu tiên; tạo điều kiện khuyến khích mô hình doanh nghiệp đầu tư quản lý. Thêm nữa, nghị định nên làm rõ hơn cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng giao thông.

Việc xây dựng Nghị định về quản lý CCN nhằm hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để điều hành, quản lý đầu tư xây dựng phát triển CCN một cách hiệu quả, chặt chẽ; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong CCN theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục bất cập của Quy chế quản lý CCN trong thời gian qua.

Nguồn: Hải Nam- Việt Nga/Báo Công thương điện tử