menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển thị trường nội địa - Cơ hội cho doanh nghiệp da giày

09:14 09/10/2017

Vinanet -Tâm lý “bài” hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng và sự ủng hộ hàng Việt ngày một rõ nét của người tiêu dùng được nhận định là cơ hội tốt cho doanh nghiệp (DN) da giày trong nước phát triển thị trường nội địa.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, mỗi năm thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 186 triệu đôi giày, dép nhưng DN trong nước hiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Tuy nhiên những năm gần đây, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai rầm rộ đã tác động nhiều đến tâm lý của người tiêu dùng. Sản phẩm giày dép trong nước ngày một được ưu ái hơn, nhất là tại các thành phố lớn.
Nhanh chóng nắm bắt xu hướng, một số DN trong ngành đã khai thác tốt thị trường, đưa ra nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Hiện một số thương hiệu như: Miti (Công ty TNHH May Minh Tiến), Mr Vui (Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trương Vui)… đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Với 25 năm kinh nghiệm phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Tiến chia sẻ: Phát triển thị trường nội địa khó hơn rất nhiều so với xuất khẩu do phải thực hiện tốt, lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng, bảo đảm hình ảnh, thương hiệu và quản lý chuỗi sản xuất phân phối một cách nhịp nhàng. Những năm gần đây, xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội có thương hiệu của người tiêu dùng trong nước là điều kiện chín muồi cho các DN da giày quay về phát triển thị trường nội địa.
Các đơn vị đã làm xuất khẩu có lợi thế về kinh nghiệm, nhân lực sẽ rất thuận lợi khi quay về phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên để thành công tại “sân nhà”, DN cần đầu tư bài bản về công nghệ sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm và thương hiệu ngay từ đầu. Về hệ thống phân phối, có thể kết hợp phương thức bán hàng truyền thống thông qua các đại lý, cửa hàng và bán hàng qua mạng. Đây cũng là xu hướng đang rất thịnh hành hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Khiêm - Tổng giám đốc Công ty CP Giầy Thượng Đình phản ánh: Sản phẩm của Thượng Đình và một số thương hiệu lớn trong ngành đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới uy tín của DN. Việc phát triển sản phẩm một cách bài bản cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, “DN rất cần sự trợ sức của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là lực lượng quản lý thị trường trong việc dẹp nạn hàng giả, hàng nhái”, ông Khiêm đề xuất.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc phát triển thị trường nội địa về bản chất không khác biệt nhiều so với xuất khẩu. Khâu nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi. Đặc biệt thị trường nội địa với quy mô nhỏ, đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh đòi hỏi DN phải có chiến lược phát triển phù hợp. “Chất lượng, giá thành chưa phải là yếu tố quyết định. Câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm mới tạo nên sự khác biệt và hấp người tiêu dùng”, ông Solustri Jordanp - chuyên gia tới từ Italia chia sẻ.
Ngoài ra, để DN da giày có thể vững chân tại thị trường nội địa, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp để minh bạch hóa thị trường, trong đó năng lực của đơn vị chức năng kiểm soát thị trường phải được nâng cao. DN trong ngành cần được hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng song song với công tác truyền thông về nhận diện, phân biệt hàng thật hàng giả…
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử