menu search
Đóng menu
Đóng

Sản xuất công nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng 7-8%

09:00 08/01/2024

Là lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua nhưng công nghiệp đã từng bước phục hồi, vẫn giữ được đà tăng trưởng dương.

Nỗ lực đáng ghi nhận
Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm 2023 tăng đã kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước (IIP năm 2023 ước tăng 2,3% so với năm 2022; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 năm 2023 ước tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước tăng 9,7%; khai thác quặng kim loại tăng 10,2%; sản xuất thuốc lá ước tăng 10,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất ước tăng 8,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế ước tăng 6,7%; sản xuất chế biến thực phẩm ước tăng 6,5%; dệt ước tăng 6,1%...
Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương). Các địa phương giữ được tăng trưởng khá là: Trà Vinh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hậu Giang, Phú Yên, Thái Bình…
Tuy nhiên, nhìn nhận những hạn chế trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, bắt đầu phục hồi từ cuối quý 3, đầu quý 4, IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,3%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Chỉ số IIP của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu ước giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất trang phục ước giảm 1,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 1,9%; sản xuất xe có động cơ, rơ mooc ước giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác ước giảm 7,7%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ…) thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.
Bên cạnh đó, ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm; ngành dệt may, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện cũng đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu của các ngành này lần lượt ước giảm 16,9%; 12,2%; 17,1% và 7,4% trong năm 2023)... đã đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực ước giảm so với cùng kỳ năm trước như: xe máy ước giảm 23,5%; ti vi ước giảm 43,5%; quần áo mặc thường giảm 1,6%; dầu thô ước giảm 3,8%; xăng dầu ước giảm 8,4%; phân đạm u rê giảm 1,9%; thép cán ước giảm 22,2%; khí đốt thiên nhiên ước giảm 7,4%; xi măng ước giảm 1,3%...
Đáng chú ý, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần chững lại khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm nhẹ từ 86% năm 2022 xuống còn 85% năm 2023…
Vực dậy các ngành công nghiệp chủ lực
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm, nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Do đó, để thực hiện mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%, cần tập trung nhiều giải pháp. Theo Cục Công nghiệp, năm 2024 sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các mặt hàng công nghiệp…

Nguồn:haiquanonline

Link gốc