menu search
Đóng menu
Đóng

Tận dụng tốt FTA, xuất khẩu dệt may phát triển vượt bậc trong nhiều năm

09:52 11/01/2021

 
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng nổi bật khi năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD còn năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2020, với sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may).
Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019, trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Mặc dù vậy, nhìn chung trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như: FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EAEU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)…
Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng nổi bật khi năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD còn năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới. Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí này trong năm 2020 dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, năm 2021 vẫn sẽ đầy khó khăn và bất định với ngành dệt may.
Xu thế giảm giá, hàng hoá đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, năm 2021, ngành dệt may vẫn đặt kế hoạch xuất khẩu cao nhất đạt 39 tỷ USD.
Các doanh nghiệp ngành dệt may kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong nước, ngành ngân hàng cần giảm lãi suất vay dài hạn, có những hướng dẫn cụ thể hơn về FTA…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistic quốc gia, cùng các chi phí thuế quan khác...

Nguồn:haiquanonline.com.vn

Link gốc