menu search
Đóng menu
Đóng

Vai trò của khuyến công ngày càng được coi trọng!

15:54 13/07/2017

Quang cảnh hội nghị

Vinanet - Chiều 11/7, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2017.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2016 của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 37,116 tỷ đồng, đạt 92,28% so với kế hoạch năm. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 15,139 tỷ đồng, đạt 91,82% so với kế hoạch, chiếm 14,88% tổng kinh phí khuyến công quốc gia toàn quốc, và chiếm 40,78% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 21,977 tỷ đồng, đạt 93,49% so với kế hoạch, chiếm 17,92% tổng kinh phí khuyến công địa phương của cả nước năm 2016 và chiếm 59,22% kinh phí khuyến công toàn vùng.
6 tháng đầu năm, 15 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 48,331 tỷ đồng, tăng 20,58% so với kế hoạch năm 2016. Kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 23,6 tỷ đồng, tăng 14,31% so với kế hoạch năm 2016, chiếm 21,19% tổng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017 và chiếm 48,83% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch 24,731 tỷ đồng, tăng 14,31% so với kế hoạch năm 2016, chiếm 17,6% tổng kinh phí khuyến công địa phương năm 2017 và chiếm 51,17% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí khuyến công quốc gia đã ký hợp đồng triển khai thực hiện 19,530 tỷ đồng, đạt 82,75% kế hoạch năm. Số kinh phí khuyến công tạm ứng 12,497 tỷ đồng, đạt 25,85% kế hoạch năm. Trong đó, tạm ứng kinh phí khuyến công quốc gia 4,4 tỷ đồng, đạt 18,64% kế hoạch năm, kinh phí khuyến công địa phương 8,096 tỷ đồng, đạt 32,73% kế hoạch năm...
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tại các trung tâm khuyến công, Sở Công Thương các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đã nêu một số thực trạng, khó khăn trong công tác thực tiễn, kiến nghị một số vấn đề để hoạt động khuyến công tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa - cho rằng, trong bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm được công nhận 2 năm là quá ít. Nên kéo dài 4-5 năm để ổn định sản xuất và hưởng được một số chế độ ưu tiên. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì xử lý theo quy định. Hay việc doanh nghiệp được công nhận nhưng chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn thấp. Cần nghiên cứu các chế độ chính sách hỗ trợ tốt, hồ sơ tái cử đơn giản hơn.
Giải đáp những thắc mắc của các địa phương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương -cho rằng, hàng năm giao kinh phí khuyến công theo kế hoạch, muốn tăng nhưng nguyên tắc chung thì giao theo đề án và tiêu chí ưu tiên phần tập trung, xem xét vùng miền, xem xét việc tổ chức thực hiện của năm trước
“Công tác thông tin truyền thông ngày càng được chủ động; ban hành nhiều chương trình hoạt động, kết nối rất tốt giữa Cục và các ban, ngành, địa phương” - ông Ngô Quang Trung chia sẻ.
Ông cũng lưu ý thêm, tổ chức bộ máy của các trung tâm khuyến công trên quy định chung, nhưng mỗi tỉnh có hình thức thực hiện khác nhau, vai trò các sở, trung tâm là rất quan trọng trong việc tham mưu cho các địa phương…
Phát biểu kết tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, công tác khuyến công càng ngày càng tiến bộ, được cả nước quan tâm. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn luôn luôn biến đổi nên việc thực hiện công tác khuyến công cũng cần bám sát theo thực tiễn.
Thứ trưởng nhận định, trong lúc chi tiêu ngày càng thắt chặt, nhưng kinh phí của trung ương lẫn địa phương cho công tác khuyến công ngày càng tăng, cho thấy vai trò của khuyến công ngày được chú trọng và các địa phương cần phát huy hơn nữa.

 

Thứ trưởng cho rằng, hiện đang có ít đề án điển hình lan tỏa; kinh phí, định mức chưa theo sát thực tiễn; cần cải tiến hơn nữa công tác khuyến công để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, địa phương phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
"Bên cạnh đó, công tác truyền thông thông tin có vai trò hết sức quan trọng, để doanh nghiệp tham gia tích cực. Cải cách thủ tục hành chính, tránh rườm rà, bớt phiền hà cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn để yên tâm sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần xem xét tạo điều kiện cho các chương trình, đề án liên quan đến công tác khuyến công. Thời gian tới, thúc đẩy công nghiệp địa phương, tạo tiền đề cho hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng nâng cao chất lượng, thương hiệu và có uy tính trên thị trường trong và ngoài nước” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã trao tặng Bằng khen cho 7 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công, gồm: Sở Công Thương tỉnh Kon Tum; Phòng Kinh tế UBND TP. Hội An (Quảng Nam); Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng; Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng; Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị.
Nguồn: Xuân Hoài/Báo Công Thương điện tử