menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu dệt may lạc quan nhờ cơ hội thị trường

09:50 28/11/2024

Chiến lược đa dạng hóa cùng yếu tố chuyển dịch đơn hàng của các nhãn hàng đã mang lại kết quả tích cực cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024 và tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu của năm 2025.

Hưởng lợi từ chuyển dịch đơn hàng
Trong quý 3/2024, ngành dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu 12,4 tỷ USD, tăng trưởng trên 13% so với cùng kỳ và tăng tới 22% so với quý 2/2024. Mức tăng trưởng mạnh mẽ so với quý 2 được đánh giá là nhờ nửa cuối năm thường là mùa cao điểm và đơn đặt hàng giá trị cao hơn cho bộ sưu tập thu-đông. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, dệt may đã xuất khẩu đạt 32 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,6% so với 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), do đó sản lượng tiêu thụ hiện nay đã vượt mức trước dịch Covid.
Tại buổi họp báo mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, thời gian qua, tiêu dùng trên toàn cầu không tăng trưởng, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng là nhờ sự chuyển dịch của đơn hàng. “Việt Nam là một trong những nước được lựa chọn làm đích đến của sự chuyển dịch đơn hàng vào quý 3, 4/2024 và cả năm 2025” - ông Giang thông tin.
Trong sự chuyển dịch của đơn hàng thời gian qua, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hoàn toàn không có sự tăng trưởng về giá. Tuy nhiên, các DN dệt may Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định nhờ việc áp dụng công nghệ. Các DN đã đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ tự động hóa, thậm chí nhiều DN đã đầu tư robot hóa trong sản xuất. Điều này đã giúp giải bài toán về năng suất lao động, giá thành sản xuất, giữ uy tín về chất lượng cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác.
Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn vào sự tăng trưởng thời gian qua của ngành dệt may Việt Nam là sự đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và mặt hàng sản xuất. Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Từ những yếu tố kể trên, ông Vũ Đức Giang khẳng định kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng trưởng 11,26% so với năm 2023.
Kết quả kinh doanh của các DN dệt may trong quý 3/2024 cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu tăng mạnh trong mùa cao điểm và các đơn hàng tại Mỹ và EU phục hồi cộng với việc mở rộng vào các thị trường xuất khẩu mới. Theo đó, lợi nhuận ròng quý 3/2024 của TNG đạt 111 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng đơn hàng của TNG cũng tích cực trong quý 4/2024 và công ty đã nhận đủ đơn hàng đến quý 1/2025.
Tương tự, lợi nhuận quý 3/2024 của Công ty CP May Sông Hồng cũng ghi nhận tăng trưởng 154% so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 tỷ đồng; Công ty CP Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công tăng 51%, đạt 81 tỷ đồng…
Lạc quan với mục tiêu 48 tỷ USD năm 2025
Kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ là nền tảng vững chắc cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2025. Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, nhiều DN đã ký kết đơn hàng cho quý 1/2025 và đang đàm phán cho quý 2/2025. Do đó, đơn hàng không phải là vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
Tuy nhiên, các DN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên là cách thức mua hàng của các nhãn hàng hiện thay đổi rất nhanh. Mặc dù đơn hàng đã đàm phán, nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1-2 tuần, các nhãn hàng có thể sẽ yêu cầu DN ngưng sản xuất. Bên cạnh đó, hiện các DN Việt Nam không còn cơ hội lựa chọn những đơn hàng lớn, mà từ 2 năm nay phải chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh cùng rất nhiều yêu cầu khắt khe. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đưa ra đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xơ sợi, vải từ nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Dù vậy, ông Vũ Đức Giang đánh giá tăng trưởng năm 2025 vẫn tốt nhờ bài học kinh nghiệm của ngành dệt may Việt Nam về đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng và mặt hàng sản xuất. Bên cạnh đó, các FTA đã ký kết là một lợi thế đặc biệt, mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Điều này đã được minh chứng qua việc nhờ có FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Nga đã có bước nhảy vọt, từ con số rất nhỏ tăng lên gần 1 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, các DN cũng sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng rất cao.
Đặc biệt, bên cạnh việc sản xuất đơn hàng cho các nhãn hàng quốc tế, các DN Việt Nam cũng đang đẩy mạnh bán hàng toàn cầu qua các kênh thương mại điện tử. Ông Giang cho biết, hàng loạt DN có thương hiệu lớn của Việt Nam đã bắt đầu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế bằng chính thương hiệu Việt Nam. Đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam trong “Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Trong báo cáo phân tích ngành dệt may phát hành mới đây, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhờ chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc, mức thuế với Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc (mức độ phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới của Mỹ) và lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh. SSI cũng dự báo các DN bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh các đơn hàng trước khi mức thuế quan mới của Mỹ được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Theo đó, sản lượng tiêu thụ của các công ty dệt may Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những quý tới.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho biết, một số khách hàng của công ty tại Mỹ đang yêu cầu đẩy nhanh việc giao hàng trước năm 2025 do lo ngại mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc. Bởi lẽ các sản phẩm của Việt Thắng Jean có tới 30-35% nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc. Về giải pháp dài hạn, ông Việt cho biết sẽ tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc