menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU 8 tháng đầu năm 2024

10:41 29/09/2024

Hiệp định EVFTA luôn đóng vai trò là đòn bẩy giúp Việt Nam - EU duy trì đà tăng trưởng trong hợp tác thương mại song phương. EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may Việt Nam. 
Trong tháng 8/2024 xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt trên 411,89 triệu USD, giảm 5,56% so với tháng 7/2024 nhưng tăng 28,55% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu hàng dệt may sang EU chiếm 11,31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, đạt trên 2,78 tỷ USD, tăng 7,49%. Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam tại EU, riêng 2 thị trường nay đã chiếm 47% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU.
Đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU 7 tháng đầu năm
Trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.... Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, có 6 thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Ngành dệt may với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, rõ ràng những ảnh hưởng của thị trường, xu hướng thế giới đến ngành dệt may Việt Nam là rất lớn.
Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tại thị trường EU, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ASEAN như Myanmar, Campuchia, Lào và Indonesia... đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nhiều nước trong số này đã và đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất dệt may bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Thỏa thuận Xanh. Trước áp lực này, ngành dệt may Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh để duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường EU.
Cơ cấu các thị trường thành viên trong EU nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024
Tháng 8/2024 xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt trên 411,89 triệu USD, giảm 5,56% so với tháng 7/2024 nhưng tăng 28,55% so với tháng 8/2023. Ba thị trường đứng đầu về kim ngạch trong tháng 8/2024 là: Hà Lan đạt trên 109,52 triệu USD, giảm 9,37% so với tháng 7/2024 nhưng tăng 37,68% so với tháng 8/2023; Đức đạt trên 70,13 triệu USD, giảm 6,79% so với tháng 7/2024 nhưng tăng 8,7% so với tháng 8/2023. Tây Ban Nha đạt trên 76,03 triệu USD, tăng 26,88% so với tháng 7/2024 và tăng 23,78% so với tháng 8/2023
Các thị trường đạt mức tăng trưởng mạnh so với tháng 7/2024 gồm có: Hungari tăng 455,85%, đạt 285.835 USD; Lithiumnia tăng 232,7%, đạt 8.740 USD; Slovenia tăng 221%, đạt 3,06 triệu USD; Bồ Đào Nha tăng 214,87%, đạt 205.358 USD. Ngược lại, trong tháng 8/2024 xuất khẩu giảm mạnh ở các thị trường như: Bungari giảm 79%, đạt 18.501 USD; Phần Lan giảm 60,25%, đạt 318.010 USD; Latvia giảm 58%, đạt 192.774 USD; Malta giảm 51,54%, đạt 96.026 USD; Slovakia giảm 50,83%, đạt 289.303 USD.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang 25 thị trường trong khối EU đạt trên 2,78 tỷ USD, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, riêng 2 thị trường nay đã chiếm 47% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU.
Tình hình nhập khẩu hàng dệt may mã HS 61 vào các thị trường thành viên của EU
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Trademap, kim ngạch nhập khẩu các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc (mã HS 61) tháng 6/2024 đạt 7,09 tỷ USD, giảm 4,77% so với tháng 5/2024 và giảm 8,23% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng này vào thị trường EU đạt gần 45,36 tỷ USD, giảm 2,45% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 27 thị trường thuộc khối EU tham gia nhập khẩu nhóm hàng dệt may mã HS61 trong 6 tháng đầu năm 2024, thì Đức là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, với gần 10,11 tỷ USD, giảm 3,43% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 22,28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mã hàng này của toàn khối EU. Tiếp đến thị trường Pháp đạt trên 5,52 tỷ USD, giảm 9,4%, chiếm 12,18%; thị trường Tây Ban Nha đạt gần 4,66 tỷ USD, giảm 1,02%, chiếm 10,27%; Hà Lan đạt gần 4,57 tỷ USD, tăng 0,94%, chiếm 10,07% trong tổng kim ngạch.
Dự báo
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang EU cuối năm 2024 sẽ phục hồi rõ nét hơn khi vào mùa nghỉ lễ (Giáng sinh, Tết dương lịch). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cũng tỏ ra thận trọng, bởi lạm phát tại EU đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng thận trọng trong chi tiêu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may. Do đó, mức hồi phục khó đạt được 2 con số. Theo Ngân hàng Trung ương EU (ECB), dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm 2023 (tăng trưởng ở mức 0,4%) tuy nhiên do còn tiềm ẩn các yếu tố địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được dự báo khiêm tốn ở mức 0,9% vào năm 2024, 1,4% vào năm 2025 và 1,6% vào năm 2026.

Nguồn:Vinanet/VITIC