Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản vùng Nam Trung Bộ, do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa thực hiện, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản suất vùng Nam Trung Bộ đã chia sẻ nhiều khó khăn và rào cản trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Theo đó, tại một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện các thủ tục kiểm hóa hàng hóa tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn... gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.
Chi phí vận tải cũng là rào cản làm vướng chân các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản Việt Nam khai thác một số thị trường xuất khẩu tiềm năng như Ả Rập Xê Út.
Ngoài ra, sản xuất và xuất khẩu nông sản mang tính thời vụ cao, phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe, giá cả hàng nông sản xuất khẩu không ổn định, không đa dạng sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu xuất khẩu nông sản thô… là những khó khăn chung của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp cũng là nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với đó, việc chỉ chế biến thô khiến sản phẩm của doanh nghiệp gặp thua thiệt, khó cạnh tranh với các sản phẩm chế biến sâu trên thị trường…
Đại diện doanh nghiệp trình bày tham luận tại hội nghị.
Bên cạnh tham luận của các doanh nghiệp, Hội nghị cũng lắng nghe phần chia sẻ của các Tham tán thương mại tại Trung Quốc và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang (Lào), các chuyên gia đến từ Hàn Quốc về thị trường và nhu cầu kết nối tại các thị trường tiềm năng.
Trao đổi cùng các đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu, xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tại nước ngoài.
Đối với những kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp tại Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổng hợp, báo cáo với Bộ Công Thương để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản vùng Nam Trung Bộ cũng như của cả nước.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận và tiếp thu những kiến nghị của các doanh nghiệp có liên quan đến tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời cho biết sẽ giao các đơn vị, Sở, ngành địa phương thực hiện. Đặc biệt là Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hai đơn vị liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà các doanh nghiệp kiến nghị.
Đối với kiến nghị của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang (Lào) và các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, ông Lê Hữu Hoàng cho biết sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết.
“Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản vùng Nam Trung Bộ đã chứng kiến sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, có những ý kiến rất sâu sắc, tạo động lực cho giải pháp tiêu thụ nông lâm thủy sản của vùng Nam Trung Bộ. Qua đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cần liên kết, nỗ lực tạo được thương hiệu của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, tăng cường xuất khẩu”, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị.
Tại Hội nghị đã diễn Lễ ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các nhà xuất khẩu, phân phối và cung ứng nông lâm thủy sản.
Việc các biên bản ghi nhớ được ký kết là thành công của Hội nghị, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng có tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các địa phương đến với các thị trường tiềm năng.