Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu cập nhật thông tin về cung ứng hàng hoá 3-4 tiếng/lần
Ngay sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, chiều ngày 31/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp trực tuyến triển khai ngay các biện pháp, trong đó tập trung xử lý vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hoá, điện cũng như các vấn đề cấp bách khác.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, đại diện lãnh đạo tất cả các đơn vị cho biết, sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, các đơn vị đã họp, xây dựng các phương án làm việc, trong đó phân công lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên trực tại cơ quan để điều hành, xử lý nhiệm vụ cấp bách; các cán bộ, công chức khác sẽ làm việc tại nhà, chủ động thành lập các nhóm làm việc trên môi trường trực tuyến.
Các đơn vị đặc thù liên quan đến quản lý nhà nước về cung ứng hàng hoá, điện, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, quản lý thị trường đều đã có phương án làm việc cụ thể, bố trí số lượng hợp lý để duy trì, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cấp bách.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, Vụ Thị trường trong nước cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã gửi phương án cung ứng hàng hoá theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang… Vụ Thị trường trong nước cũng đã xây dựng sơ đồ tổng kho theo vùng về nguồn hàng để có thể điều tiết khi cần thiết. Ngay sau khi báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp, lãnh đạo Vụ đã phân công ra thị trường để nắm sát tình hình, kịp thời có thực tiễn để lên phương án điều tiết hàng hoá.
Về cung ứng điện, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cập nhật tình hình liên tục qua hình thức trực tuyến, triển khai các phương án, kịch bản, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như các cơ sở y tế, cơ sở cách ly.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu lãnh đạo Bộ trực 100% thời gian, các đơn vị tính toán khối lượng công việc, có phương án làm việc phù hợp nhưng đặt yếu tố đảm bảo an toàn lên hàng đầu.
Ngoài việc duy trì tối thiểu người trực tại cơ quan, những người làm việc ở nhà nâng cao tinh thần trách nhiệm, có phương tiện kết nối online để trao đổi công việc, cũng như trong trường hợp cần thiết điều động. Bộ trưởng giao văn phòng Bộ xây dựng quy chế tạm thời trong thời gian cách ly xã hội cũng như xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khẩn cấp khác.
Đối với nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo hàng hoá, đặc biệt là 13 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xăng dầu cho người dân trong thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước làm việc ngay với địa phương, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hoá xây dựng phương án cung ứng hàng hoá, tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển; thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hoá từ 3-4 tiếng/lần. Giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng hoá.
Vụ Thị trường trong nước cũng cần thống kê các trung tâm, kho phân phối hàng hoá ở những thành phố lớn và theo khu vực để khi cần có thể điều phối hàng hoá kịp thời phục vụ người dân. Có văn bản phối hợp với các bộ, ngành địa phương; tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện thực hiện nhiệm vụ, vận chuyển, cung ứng hàng hoá thiết yếu.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra đảm bảo hệ thống điện cấp điện an toàn trong mọi tình huống.
Đối với hoạt động duy trì sản xuất, Bộ trưởng giao Cục Công nghiệp chủ động rà soát, lên phương án, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện bố trí sắp xếp cán bộ, công nhân viên làm việc đảm bảo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Về các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu cần được tiếp tục duy trì, đặc biệt là việc cấp các giấy phép XNK, cấp C/O cho doanh nghiệp không để gián đoạn. Tuy nhiên, phải có phương án, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người dân không tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị tốt nhất cho các hội nghị, họp trực tuyến; các hoạt động liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Nguồn:Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công Thương