Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung của Việt Nam đã và đang được tiếp tục tập trung thực hiện với quyết tâm lớn. Trong thời gian qua, ngành Công Thương nói chung và đối với lĩnh vực công nghiệp nói riêng đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song cũng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được giải quyết, tháo gỡ để tạo được bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn.
Trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật. Giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam sau 10 năm qua tăng cao gần 3,5 lần, từ 0,34 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỉ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31 - 32%, và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam với tỷ trọng ở mức xấp xỉ 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước qua các năm. Cơ cấu xuất khẩu của các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ mức 46,7% năm 2000 lên 97,3% vào năm 2015, trong khi nhóm ngành khoáng sản giảm liên tục, từ 22% năm 2007 xuống còn 7,7% vào năm 2010 và 2,7% năm 2015. Trong những năm gần đây, các ngành như: điện tử, dệt may và da giày đã trở thành 3 ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế với tỷ trọng chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.
Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần. So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Phi-lip-pin cao gấp 1,5 lần. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã chỉ ra những điểm nghẽn lớn khiến tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chậm và chưa thực sự bền vững:
Một là, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Đóng góp của công nghệ đối với năng suất nhân tố tổng hợp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ xấp xỉ 10%, của toàn nền kinh tế là 29%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn như: Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippine (70%), Malaysia (64%), Indonessia (37%) hay Trung Quốc (39%).
Hai là, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất...Đây là các khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.
Ba là, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu cho thấy ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của ngành Điện tử gia dụng là 30-35%; Điện tử tin học, viễn thông: 15%; Điện tử chuyên dụng: 5%; Ô tô - xe máy: 40%; Công nghiệp công nghệ cao: 5%; Dệt may: 40%; da giày :40 - 45%;
Bốn là, một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động còn chưa cao, trong khi quá trình tái cơ cấu các DNNN diễn ra còn chậm và chưa thực chất dẫn đến vai trò kinh doanh trực tiếp của Nhà nước vẫn còn lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực đã tạo ra môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp;
Năm là, đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp; phân bố không gian của các ngành công nghiệp chưa hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường…
Nhận thức được những điểm nghẽn gây cản trở trong tăng trưởng công nghiệp, cũng như nền kinh tế nói chung, từ năm 2013, Chính phủ ban hành "Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020”. Năm 2014, "Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 về Kế hoạch hành động của ngành Công Thương với mục tiêu cải thiện tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành, phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, tăng trưởng công nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra còn chậm, chưa thực sự đi vào chiều sâu; năng suất lao động trong các ngành vẫn thấp, các ngành công nghiệp phần lớn vẫn chỉ tham gia được ở các khâu giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước; sản xuất tăng cao chủ yếu ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; phân bố không gian công nghiệp chưa khai thác được tốt lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương…
Những hạn chế này, không chỉ là vấn đề của riêng ngành công nghiệp, mà là vấn đề của toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, ngày 8 tháng 11 năm 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về "Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”. Bộ Công Thương đã được giao xây dựng Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020" và trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2017 với mục tiêu trong đó xác định các nội dung về cơ cấu lại ngành công nghiệp đó là: (1) Cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo; tăng năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; (2) Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường; (3) Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu; và (4) Tạo điều kiện để doanh nghiệp đề xuất dự án đầu tư phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng xong Dự thảo về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020” và việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay với mục đích là lấy ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các nhà làm chính sách của các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Tôi đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo cũng đề xuất, gợi ý các ý tưởng cho bản dự thảo Kế hoạch để Bộ Công Thương có thêm thông tin thiết thực hoàn thiện bản dự thảo Kế hoạch.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, góp ý cho Dự thảo về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020”. Cụ thể, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Tuệ Anh trình bày tham luận "Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế Việt nam giai đoạn 2016-2020: Tiếp cận từ lý thuyết đến thực tiễn"; TS. Bùi Tất Thắng đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ về cách tiếp cận xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Ngọc Hải lại bàn về Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020; Phó Chủ tịch, Hiệp hội dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường thảo luận về "Tái cơ cấu ngành dệt may - Những đề xuất cụ thể cho những năm tiếp theo"; Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ bàn về hướng phát triển của ngành cơ khí những năm tiếp theo và Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng cũng bàn về hướng phát triển của công nghiệp thực phẩm những năm tiếp theo.
Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương