menu search
Đóng menu
Đóng

Dân kêu trời với hóa đơn tiền điện

10:40 02/06/2015

Hóa đơn tiền điện đột ngột tăng gấp đôi, hầu hết xảy ra sau khi đổi từ điện kế cơ sang điện kế điện tử (ĐKĐT).
Sau các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu... (Tuổi Trẻ đã nhiều lần phản ánh), đến lượt hàng loạt bạn đọc ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) bức xúc khi hóa đơn tiền điện đột ngột tăng gấp đôi, hầu hết xảy ra sau khi đổi từ điện kế cơ sang điện kế điện tử (ĐKĐT).

Có trường hợp tiền điện tăng ngay kỳ đầu tiên đổi điện kế, nhưng cũng có trường hợp tăng sau đó vài tháng.

Tiền điện tăng gấp đôi

Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang trưng ra hóa đơn tiền điện kỳ tháng 1-2015 là hơn 4,8 triệu đồng, tháng 2 hơn 4,1 triệu đồng, tháng 3 hơn 4,5 triệu đồng, nhưng đến tháng 4-2015 đột ngột tăng lên trên 8,1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chinh, ngụ số 4 Phú Cường, phường An Hòa, TP Rạch Giá, cho biết bình thường tiền điện mỗi tháng của gia đình ông chỉ khoảng 900.000 đồng, nhưng đến tháng 4-2015 đột nhiên tăng lên 1,5 triệu đồng.“Điện lực thông báo tăng tiền điện từ ngày 16-3, nhưng tôi thấy mức tăng chỉ có 7,5%, còn đằng này tăng gần gấp đôi như vậy là không thể chấp nhận được. Tôi sẽ kiện tới cùng” - ông Chinh nói.

Hàng trăm hộ dân khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang và ông Chinh, mặc dù tất cả đều khẳng định vẫn sử dụng điện như bình thường, không tăng thêm bất kỳ thiết bị điện nào.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - ngụ số 9 Vàm Trư, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá - cho hay rất bức xúc trước việc tiền điện đột ngột tăng gấp đôi. Bà Thảo vận động các hộ dân ở xóm ký đơn phản ảnh nhưng không ai ký vì cho rằng có làm đơn cũng vô ích, thậm chí có người không dám ký đơn vì sợ... bị cắt điện.

“Tui hỏi chú đi thu tiền điện tại sao tiền điện tăng cao thì chú này nói không biết, muốn hỏi gì mời lên công ty. Chú này còn nói xài hay không là chuyện của mấy bà, không đóng tiền thì chúng tôi sẽ cắt điện” - bà Thảo kể.

Ông Phạm Văn Hào (50 tuổi), ngụ gần nhà bà Thảo, cho biết từ khi tiền điện tăng cao tới nay ban ngày ông không dám mở điện. Buổi tối ông Hào phải ra vỉa hè ngồi dưới ánh đèn đường, tranh thủ hưởng chút gió trời, tới khi nào thật buồn ngủ mới dám vào nhà mở quạt máy. “Nhà tôi chỉ có hai cha con, cả ngày không hề dùng điện, buổi tối chỉ mở bóng đèn ngủ tù mù và cái quạt điện nhỏ mà tiền điện mỗi tháng phải trả gần 300.000 đồng” - ông Hào ngán ngẩm.

Không đồng ý lắp ĐKĐT cũng phải chịu!

Ông Quách Huy Thịnh - ngụ đường Thành Thái, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá - cho hay nhân viên Điện lực Rạch Giá tới nhà thay ĐKĐT trong lúc ông đi vắng, chỉ có vợ ở nhà, đến khi về tới thì thấy nhân viên điện lực đã thay xong. Hậu quả là từ tháng 4-2015 tiền điện nhà ông Thịnh tăng gấp đôi.

“Trước đó tôi đã nghe thông tin ĐKĐT làm tăng giá điện rất dữ nên cực lực phản đối, dứt khoát không ký vào biên bản đồng ý nhưng họ vẫn cứ thay. Tôi đã rất nhiều lần làm đơn khiếu nại yêu cầu lắp trả lại điện kế cơ cho tôi nhưng họ cương quyết không chịu. Yêu cầu lắp song song hai điện kế để kiểm chứng độ chính xác họ cũng không chịu luôn” - ông Thịnh bức xúc.

Nhiều bạn đọc khác cũng khẳng định mình không muốn lắp ĐKĐT nhưng đành phải chịu, vì nếu không thì điện lực sẽ ngưng cung cấp điện.

Ông Phạm Thành Tuấn - phó giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang - cho biết đến thời điểm này Điện lực Kiên Giang đã lắp khoảng 52.000 ĐKĐT tại TP Rạch Giá và các thị trấn, thị tứ ở các huyện, trên đảo Phú Quốc cũng lắp 18.000 ĐKĐT cho 100% khách hàng, xã Hòn Tre thuộc huyện đảo Kiên Hải lắp trên 1.000 ĐKĐT.

Tiến độ “phủ sóng” ĐKĐT phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư mua điện kế của Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC).“Việc đổi từ điện kế cơ sang ĐKĐT là lộ trình không thể đảo ngược, không thể có chuyện lắp trở lại điện kế cơ. Lý do là ĐKĐT đáp ứng việc đo đếm lượng điện tiêu thụ của từng khách hàng từ  xa, giảm chi phí duy trì đội ngũ nhân viên đi ghi chỉ số điện” - ông Tuấn nói.

Theo công văn trả lời báo chí của SPC, hằng tháng các DCU (bộ xử lý tập trung) đặt tại trạm biến áp sẽ thu thập thông tin từ ĐKĐT, sau đó phần mềm cài trong máy tính đặt tại các chi nhánh điện lực sẽ thu thập dữ liệu từ DCU và tính ra hóa đơn gửi tới khách hàng.

Ông Bùi Tấn Công - phó trưởng phòng kinh doanh Công ty Điện lực Kiên Giang - khẳng định hệ thống phần mềm, máy móc đo đếm từ xa có thể nói là chính xác tuyệt đối, không thể can thiệp vào ĐKĐT được nên khách hàng có thể yên tâm.

Về độ tin cậy của hệ thống máy tính và phần mềm quản lý dữ liệu và tính toán tiền điện, SPC khẳng định theo luật đo lường chỉ có ĐKĐT mới phải kiểm định, toàn bộ hệ thống còn lại không cần phải kiểm định.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi làm sao để khách hàng kiểm tra được lượng điện tiêu thụ của mình thể hiện trên máy, ông Công thừa nhận hiện tại chưa thể đáp ứng được. Lý do là để làm được điều này, mỗi khách hàng mua điện phải được cấp một tài khoản người dùng kèm mật khẩu riêng để đăng nhập vào hệ thống. Trước mắt Điện lực Kiên Giang chưa làm được và cũng chưa thể hứa chắc khi nào sẽ làm.

Để tiếp tục làm rõ chuyện hóa đơn tiền điện đột ngột tăng cao bất thường, phóng viên Tuổi Trẻ đề nghị Công ty Điện lực Kiên Giang giải thích rõ nguyên nhân của từng trường hợp, đồng thời cung cấp báo cáo doanh số bán điện từ đầu năm đến nay, có so sánh đối chiếu với cùng kỳ 2014. Phòng kinh doanh Công ty Điện lực Kiên Giang hứa sẽ trả lời và cung cấp báo cáo, nhưng đã hơn 10 ngày trôi qua vẫn chưa thực hiện.

Điện kế điện tử nhưng thu tiền thủ công


Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC) cho hay hiện tại đơn vị này đang cung cấp điện cho 6,3 triệu hộ dân với khoảng 7,5 triệu đồng hồ điện. Đơn giá mỗi ĐKĐT xoay chiều 1 pha số hiệu VSE 11 là 580.000 đồng, tính ra chỉ riêng khoản đầu tư để thay toàn bộ điện kế cơ đã lên đến 4.350 tỉ đồng, chưa kể chi phí cho hệ thống máy tính, chi phí thay thế, vận hành, bảo trì hằng năm...

Đáng lưu ý là ĐKĐT VSE 11 do Công ty cổ phần thiết bị điện Vinasino sản xuất, mà SPC và Công ty TNHH đầu tư điện lực Chiết Giang (Trung Quốc) lại là hai cổ đông sáng lập của Vinasino. Cho nên chip xử lý chính và nhiều linh kiện quan trọng bên trong ĐKĐT hiện nay đều nhập của Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, SPC đã lắp đặt 1,005 triệu ĐKĐT cho các tỉnh, thành từ Ninh Thuận tới Cà Mau (trừ TP.HCM). Một cán bộ của SPC thừa nhận tiến độ triển khai như vậy là quá chậm so với yêu cầu.

Lợi ích của ĐKĐT trước mắt chỉ là giảm số nhân viên đi ghi tiền điện và điều này không thật sự thuyết phục. Bởi trên thực tế, để thu được tiền điện của dân hiện nay nhân viên điện lực vẫn phải đi từng nhà, có khi đi hai, ba lần mới thu xong. Hơn nữa, ĐKĐT mới chỉ triển khai tập trung ở các đô thị, còn vùng nông thôn vẫn phải cử nhân viên đi ghi số điện của từng nhà.