menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đền bù đất khai thác khoáng sản nhiều nơi chỉ 1.000 – 2.000 đồng/m2

13:22 23/10/2015

Vinanet - Khai thác khoáng sản chưa gắn kết nhiều với công tác bảo vệ môi trường, cũng chưa đảm bảo nguồn sinh kế cho người dân quanh vùng khai thác. Câu chuyện này đang gây tranh luận nhiều đến trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, chính quyền địa phương hay luật trong việc phân bổ nguồn phí bảo vệ môi trường. 

Ngày 23/10, Liên minh Khoáng sản và Trung tâm Con người - thiên nhiên tổ chức Hội thảo Khai thác khoáng sản “Từ câu chuyện ở cộng đồng đến các vấn đề chính sách”. Hội thảo nhằm để doanh nghiệp, người dân, nhà nghiên cứu ngồi lại bàn phương án bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí doanh nghiệp khai khoáng có trách nhiệm đóng góp. 

Các đại biểu đánh giá khai thác khoáng sản có những tác động rất đặc thù đến môi trường. Khai thác khoáng sản có thể phá vỡ câu trúc địa chất cảnh quan, tạo ra các bãi thải và hồ chứa với diện tích lớn. Ngoài ra, tác động môi trường vẫn có thể tiếp diễn sau khi kết thúc hoạt động khai thác do sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất, và do nước mưa tràn qua các vùng khai thác. Những tác động trên làm mô nhiễm nguồn nước, bầu không khí và gây bệnh tật cho con người. 

Hội thảo đưa ra câu chuyện khai thác khoáng sản tại xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây là xã vùng cao với 70% dân số là người Tày, 20% người Dao, 10% người Mường và Kinh. Tỷ lệ hộ nghèo là 33,56%. Tại xã này, 3 mỏ sắt được phát hiện trong đó Công ty TNHH Đức Thái đã khai thác trên diện tích 7ha. 

Việc khai thác mỏ sắt đã làm 40 hộ dân mất đất vào năm 2006 với giá đền bù chỉ 1.000 – 2.000 đồng/m2. Do đó, các hộ dân tại xã khó khăn trong việc chuyển đổi sinh kế. Đối với môi trường, hoạt động khai thác gây bồi lấp suối Phổn, là kênh thoát lũ và cũng là kênh thoát lũ và cũng là nguồn cung cấp nước sạch và thủy sản chính trong xã. Trong khi đó, năm 2006, xã được phân bổ 100 triệu từ khai thác khoáng sản, tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, khoản tiền này không được phân bổ. 

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Trại Cau, Thái Nguyên cho biết địa bàn thị trấn có nhiều công ty hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, có Chi nhánh Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Mỏ sắt Trai Cau, Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Nhẫn, Công ty TNHH Hải Thành và Công ty Cổ phần Kim Sơn. 

Mặc dù có nhiều lợi ích từ việc khai thác khoáng sản trên thị trường, nhưng việc khai thác khoáng sản gây nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến môi trường và người dân. Theo ông Khoa, các dự án đều có phương án dự án trích 1-2% doanh thu để xây dựng hạ tầng cho địa phương nơi thực hiện khai thác, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện kế hoạch trên. Thậm chí thị trấn không được hưởng từ nguồn thuế tài nguyên. 

“Theo Nghị định 74/2011/NĐ-CP về Phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sẽ trích cho địa phương 100% phí này để khắc phục môi trường nơi thực hiện hoạt động khai thác. Hiện tỉnh Thái Nguyên mới có cơ chế trích lại cho huyện chứ không bố trí trích lại cho thị trấn – nơi trực tiếp có hoạt động khai thác. Trong khi, huyện chỉ có cơ chế trích 80% cho các xã thị trấn nhưng khống chế không quá 500 triệu đồng/năm”, ông Khoa nói. 

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đảng ủy Mỏ sắt Trại Cau - Thái Nguyên phản hồi, hàng năm công ty đã nộp xấp xỉ 20 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường và thuế nộp chiếm tỷ trong tương đương phí. Theo đó, hàng năm công ty đóng tổng khoảng 40 tỷ đồng thuế phí.

Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng, trong quá trình triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện nay đối với các doanh nghiệp vẫn còn một số bất cập. Điều này dẫn đến tình trạng, số lượng tài nguyên loại bỏ tại nơi khai thác như quặng sắt có hàm lượng sắt thấp còn lớn, gây lãng phí. Trong khi công tác thanh tra, kiểm tra ,phổ biến tuyên truyền thường xuyên của chính quyền địa phương không có, khiến người dân có cái nhìn e ngại với doanh nghiệp. 

Trong khi, bà Trần Thanh Thủy – Điều phối viên của Liên minh Khoáng sản cho rằng, hoạt động khai thác khoáng sản trên cả nước đã chiếm 41.000 ha (năm 2005). Theo khảo sát của bà Thủy, riêng ở Thái Nguyên, diện tích đất khai khoáng là 3.191 ha, chiếm 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh trong năm 2012. Tại Quảng Ninh, riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động chiếm dụng 5.700 ha. 

Bà Thủy dẫn chứng hàng năm việc khai thác khoáng sản phát sinh 4,6m3 đất đá thải trên cả nước. Riêng khai thác Apatit tại Lào Cai phát sinh 3 triệu m3 đất đá thải. Khai thác bauxite ở Tân Rai phát sinh 11 triệu m3 bùn đỏ. 

Với những số liệu trên, bà Thủy kiến nghị cơ quan chức năng cần quy định rõ địa giới nơi hoạt động khai khoáng các huyện và xã bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai khoáng. Một mặt, vai trò của chính quyền các cấp bố trí và sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội và khắc phục hậu quả môi trường. 

"Ví dụ hàng năm, UBND cấp huyện nên lập kế hoạch khắc phục hậu quả môi trường bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai khoáng để trình tỉnh. Đặc biệt, việc phân bổ ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả môi trường", bà Thủy nói. 

Huyền Thương