menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng Việt trở thành lựa chọn của người tiêu dùng Việt

15:11 21/11/2021

'Người Việt Nam không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam' mà trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, không ít người tiêu dùng đã coi hàng Việt là niềm tự hào là lựa chọn số 1.
 
Cụm từ “Hàng Việt” từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi đã trở thành niềm tin, không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình mình.
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90- 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại “Hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt”.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay hàng Việt đã chiếm tỉ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60 - 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Có thể nói, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu; chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm. “Tỷ lệ hàng nhập nội không đáng kể, chất lượng không hơn hàng Việt trong khi giá bán thường cao do phải chịu thêm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển… Vì thế người tiêu dùng lựa chọn hàng trong nước nhiều hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng ưu tiên hàng trong nước, việc vận động ủng hộ hàng cứu trợ những nơi bị phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng hàng Việt. Lý do ưu tiên chọn hàng có nguồn gốc trong nước vì mong muốn hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất với sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, việc giúp đỡ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của địa phương lan tỏa rộng khắp khiến người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Nắm bắt tâm lý này các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích. So với hàng ngoại, hàng Việt có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của người tiêu dùng trong nước. Từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam thay cho hàng ngoại.
Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền, đưa hàng Việt về khu vực công nhân, khu công nghiệp, chương trình bán hàng bình ổn đã mang lại hiệu quả thiết thực… nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó là vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước ngày càng cao đã khiến mức tiêu thụ hàng Việt tăng trưởng mạnh.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, người gắn bó với Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngay từ những ngày đầu chia sẻ sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2014 - 2020 có nội dung ưu tiên cho thương mại điện tử thông qua hỗ trợ xây dựng và vận hành cổng thông tin “Tự hào hàng Việt Nam”. Việc này giúp hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá doanh nghiệp Việt, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, kênh phân phối.
Năm 2020, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” bắt đầu được triển khai thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki) đã được công bố và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Từ tháng 12/2020 cho tới nay, Bộ Công Thương cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...
Hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình cũng như được lựa chọn các sản phẩm hàng Việt tổ chức phân phối thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử. Đây là chương trình được chuẩn bị từ cuối 2019 và đẩy mạnh trong 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có thể nhìn thấy “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các Sở ban ngành địa phương đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, nông sản Việt, tổ chức phân phối trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart) tổ chức rất thành công các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Chương trình đặc sản vải thiều Hải Dương”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử” hay gần đây nhất là “Phiên chợ nông sản Việt”. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai.
Trên thực tế, Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.
Chính vì thế, hồi tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.
Đề án vạch ra 4 nhóm nhiệm vụ trong tâm gồm: Thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng, miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam theo các phân khúc khác nhau tại thị trường trong nước.
Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhà nước tập trung xây dựng chiến lược và chính sách phát triển hàng Việt Nam trong lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường nội địa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp; hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng./.

Nguồn:An Nhiên/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc