Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.
Nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch
Kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các Sáng kiến, ưu tiên Kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch mặc dù các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, 02 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020.
“Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu.
Mục tiêu của việc thảo luận là đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng các cơ hội thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận định hướng xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.
Tăng cường hợp tác với đối tác ngoại khối
Thông báo về các kết quả hợp tác với các đối tác ngoại khối, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc thông qua các sáng kiến khu vực khác như trong khuôn khổ ASEAN Cộng Ba (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như giữa ASEAN với từng đối tác này.
Buổi họp báo có sự tham dự của báo chí trong nước và quốc tế
Ngay tại chuỗi Hội nghị AEM 52 lần này, “Kế hoạch hành động ASEAN Cộng Ba về giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19” và “Sáng kiến chung của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19” cũng được Bộ trưởng Kinh tế các nước thông qua.
Mặt khác, Bộ trưởng các nước ASEAN đã có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada, hoặc với cả những đối tác tiềm năng trong tương lai như Vương quốc Anh.
Đây là các đối tác có quan hệ thương mại – đầu tư vô cùng chặt chẽ và có mối gắn kết trong chuỗi cung ứng khu vực. Các sáng kiến này được Việt Nam thúc đẩy đưa ra trong rất kịp thời nhằm duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.
Những nỗ lực từ đầu năm đến nay đã cho thấy vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng ASEAN” của năm 2020 và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận từ các nước ASEAN cũng như các Đối tác ngoại khối.
Nỗ lực ký kết RCEP vào cuối năm nay
Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay. Theo đó, các Bộ trưởng thảo luận rất kỹ, trao đổi và tìm ra hướng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong việc kết thúc đàm phán, cũng như chuẩn bị ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Bangkok vào cuối năm 2019.
Chia sẻ thêm về vấn đến này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phần lớn các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến RCEP đều đạt đựợc kết quả khả quan. Các Bộ trưởng rất hài lòng và đánh giá kết quả đạt được theo đúng tiến độ yêu cầu. Đồng thời đưa ra những chỉ đạo cụ thể để giải quyết những vấn đề còn lại, kể cả trong vấn đề rà soát pháp lý, quy trình thực hiện nội bộ, cũng như thúc đẩy đạt mục tiêu hoàn tất các công việc chuẩn bị để ký kết vào cuối năm 2020. Các nước thành viên RCEP đều tạo điều kiện để Ấn Độ tiếp tục tham gia ký kết RCEP, đồng thời đã có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể.
Theo tinh thần đó, Bộ trưởng hy vọng các mục tiêu của các lãnh đạo RCEP vào cuối năm ngoái ở Hội nghị thượng đỉnh Bangkok sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng lộ trình.
Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương