Nguồn vốn đầu tư cho điều chỉnh ngành than gồm vốn ngân sách, vốn tự có được huy động từ quỹ phát triển sản xuất, vốn vay thương mại, vốn huy động qua trái phiếu...
Cơ chế tài chính trên nằm trong Báo cáo của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh.
Theo Bản báo cáo Quy hoạch 60 điều chỉnh của Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch đưa ra, nguồn vốn ngân sách sẽ đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về địa chất tài nguyên. Đồng thời, nguồn vốn này sẽ dùng lập quy hoạch phát triển vùng, công tác quy hoạch, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế và các chương trình mục tiêu khác.
Về nguồn vốn, vốn cho quy hoạch 60 điều chỉnh là vốn tự có được huy động quỹ phát triển sản xuất của các doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Vốn vay thương mại để đầu tư mới, cải tạo mở rộng và duy trì các dự án. Một nguồn vốn nữa có thể kể đến là vốn huy động qua trái phiếu, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư trong Quy hoạch 60 điều chỉnh trong giai đoan 2015 - 2020 đạt 110.064 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay trung và dài hạn là chủ yếu, khoảng 93.469 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách khoảng 100 tỷ đồng, phần còn lại ngành than sẽ tự huy động.
Dự kiến trong từ năm 2020 - 2030, nguồn vốn đầu tư sẽ lên tới 247.815 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay trung và dài hạn vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 210.048 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách là 276 tỷ đồng.
Ngành than cần sáu giải pháp huy động vốn
Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch đưa ra sáu giải pháp để huy động đủ nguồn vốn cho quy hoạch ngành than. Cụ thể, ngành than cần Chính phủ huy động bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách cho đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng ngoài mỏ như đường xá, bến cảng.
Ngành than cũng đề xuất việc tạo sự thu hút với nguồn vốn nước ngoài như vốn viện trợ phát triển, chính thức ưu đãi; viện trợ không ưu đãi và vay thương mại nước ngoài. Đồng thời, ngành than cần tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các dự án khai thác hầm mỏ dưới -300m ở vùng đồng bằng Sông Hồng.
Đặc biệt, ngành than đề xuất Chính phủ cho phép và bảo lãnh giai đoạn đầu cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế để huy động nguồn vốn.
Vì kinh phí cho công tác tìm kiếm nguồn tài nguyên than lớn nên ngành than cũng đề nghị Nhà nước bố trí vốn, ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, vốn ODA và nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Và cũng để bổ sung nguồn vốn cho việc quy hoạch trong thời gian tới, ngành than đề nghị Nhà nước cho phép ngành được
vốn hóa tài nguyên trữ lượng than. Trên cơ sở đó ngành than có điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển.
* Nội dung trên trích trong Báo cáo tại Hội thảo khoa học của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh.
Những nội dung trong báo cáo đưa ra để các đơn vị thảo luận, tư vấn. Sau khi tiếp thu những ý kiến trên, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Lâm Minh