menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường cần cái gì nên sản xuất cái đó!

15:09 05/08/2015

Vinanet - Thị trường nào cần cái gì thì sản xuất cái đó, chứ không phải sản xuất những cái mình có. Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do.

Sáng 5/8, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - VITIC (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của nhóm các mặt hàng công nghiệp thuộc đề án “nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Đến dự hội thảo có ông Vũ Hùng Sơn, Giám đốc VITIC.

Ông Vũ Hùng Sơn (phải), Giám đốc VITIC tham dự hội thảo. Ảnh: Vũ Nguyệt

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc VITIC cho biết, đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2011, với mục tiêu tìm giải pháp nâng cao năng lực  cạnh tranh cho nhóm hàng công nghiệp và đây là vấn đề cấp thiết.

Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu gồm có: giá cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín, giá trị sử dụng phù hợp, chính sách hậu mãi, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật…

Đại diện cho ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Xuân Dương, Hiệp hội da giày Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế của ngành da giày làm giảm sự cạnh tranh của DN Việt Nam. Ngành da giày có tăng trưởng nhưng vẫn yếu kém, cơ sở hạ tầng kém, gia công vẫn chiếm 70%. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chiếm đến 40%, 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu.

Trước thực trạng này, ông Dương cũng kiến nghị cần phải có sự liên kết ngành, các DN cần liên kết chặt chẽ thông qua hợp đồng thương mại dài hạn, xây dựng hệ thống phân phối ổn định, rộng khắp, thông suốt.

Nói về nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đó là phải thay đổi phương thức sản xuất. Năng lực cạnh tranh của dệt may phải đi từ những khâu như thiết kế, chứ không phải cắt may như hiện nay.

"Tăng tỷ lệ nội địa hóa là bài toán lớn nhất của dệt may VN, muốn nội địa hóa thì phải tập trung vào ngành dệt, đầu tư xây dựng những khu công nghiệp tập trung cho ngành dệt. Hiện ngành dệt không phát triển được là do vấn đề môi trường, không xử lý được nước thải"- Ông Ánh cũng kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ cho các DN trong khâu xử lý nước thải, bằng cách xây dựng khu công nghiệp tập trung.

Ngoài ra, ông Ánh cho rằng phải định hướng đầu ra cho dệt may ngay từ bây giờ, thị trường nào cần cái gì thì sản xuất cái đó, chứ không phải sản xuất những cái mình có. Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do.

Vũ Nguyệt