menu search
Đóng menu
Đóng

Tạo đà cho ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững hơn

09:47 24/07/2020

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 55.
 
Phát triển ngành năng lượng hiệu quả, bền vững, ổn định
Phát biểu tại Phiên toàn thể tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Theo đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng và trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành năng lượng Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về nguồn nguyên liệu sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí. Việc phải nhập khẩu những nguồn nguyên liệu này khiến chúng ta giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.
Chính vì vậy, Nghị quyết 55 ra đời đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững, ổn định, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành, trước hết là hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển, để phát triển đúng hướng, hiệu quả, bền vững. Tập trung sửa đổi, bổ sung một số Luật như Luật dầu khí, có thể có Luật năng lượng tái tạo, đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, văn bản dưới luật, xây dựng các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng.
Báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng” do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã chỉ ra, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030.
Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, năng lượng của Việt Nam đã không còn phù hợp với "chiếc áo khoác" trên mình hiện nay, với những yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này, đòi hỏi có sự cởi trói, tạo nên 'chiếc áo mới" cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Đưa Nghị quyết 55 vào cuộc sống
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng của Nghị quyết 55 là rất rõ ràng. Nghị quyết 55 đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và chi phí hợp lý.
Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7/2020, nhưng có những việc Bộ Công Thương đã phải triển khai sớm, thậm chí triển khai từ khi chưa có Chương trình hành động của Chính phủ, để sớm có những giải pháp thực hiện như: Bộ Công Thương triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020), Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020), Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII. Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.
Để Nghị Quyết 55 đi vào cuộc sống, được triển khai một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều lĩnh vực khác nhau, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, toàn bộ tinh thần của Nghị quyết, những nội dung tổng quát, các khía cạnh cụ thể của Nghị quyết cần phải được nghiên cứu và quán triệt đầy đủ. Những nét mới, những điểm đột phá của Nghị quyết như phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí...; tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng cần được cụ thể hóa bằng các Chương trình hành động, Nghị quyết cụ thể của Chính phủ.
Thực tế công tác phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Vì vậy, để thu hút các thành phần kinh tế khác có điều kiện tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng để tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng.
Tại Diễn đàn, đại diện đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế... đã trao đổi, đề xuất với Chính phủ, các Ban, Bộ ngành xem xét việc giải tỏa công suất cũng như tạo điều kiện để điện mặt trời, điện gió phát triển. Về những đề xuất này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, bổ sung quy hoạch dựa trên cơ sở ý kiến nhất quán của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về luật quy hoạch, từ đó, tạo điều kiện cho các dự án và các nhà đầu tư có tiềm năng nhất triển khai tốt các ưu thế, lợi thế của các địa phương.
Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có kiến nghị, báo cáo với Chính phủ từ thực tiễn làm thí điểm cho đến những đề xuất về cơ chế chính sách, cần tháo gỡ. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phát huy hết trách nhiệm của mình thông qua những giải pháp cụ thể; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng trong đầu tư, phát triển ngành năng lượng và theo quan điểm rất đổi mới của Nghị quyết 55 để ngành năng lượng phát triển bền vững, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc