Nhằm tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gạo và nông sản, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn công tác gồm đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực gạo, nông sản Việt Nam do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đi Trung Quốc từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2015.
Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Đông tổ chức Hội thảo giao thương gạo, nông sản Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) ngày 02 tháng 7 năm 2015.
Hội thảo thu hút được sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, buôn bán gạo, nông sản Trung Quốc và Quảng Đông như Tập đoàn Bắc Đại Hoang, Tập đoàn Lương thực quốc gia Trung quốc, đặc biệt doanh nghiệp 2 bên cũng đã ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu gạo tại buổi giao thương; đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Bản ghi nhớ xây dựng cơ chế hợp tác đối thoại kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được ký năm 2009.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Chiêu Ngọc Phương đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có buổi làm việc với Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Chiêu Ngọc Phương để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã điểm lại tình hình hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Việt Nam với Quảng Đông nói riêng, đồng thời đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc trong tiêu thụ các mặt hàng gạo, nông sản trong nước nói riêng và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Quảng Đông với quy mô nền kinh tế đứng đầu Trung Quốc luôn là địa phương có vị trí quan trọng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ 11,5% gạo và các sản phẩm ngũ cốc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, Thứ trưởng khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nỗ lực phát triển quan hệ thương mại giữa hai bên, trong đó có hợp tác thương mại gạo.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị hai bên cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Đông; giữa Hiệp hội Lương thực và doanh nghiệp hai bên, qua đó thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả, thiết thực hợp tác thương mại Việt Nam – Quảng Đông, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực gạo, nông sản.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Chiêu Ngọc Phương đã điểm lại tình hình hợp tác thương mại, đầu tư song phương Việt Nam – Quảng Đông và đánh giá cao hợp tác hai bên thời gian qua.
Bà Chiêu Ngọc Phương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, do vậy tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Quảng Đông là địa phương có quy mô dân số hơn 100 triệu người và có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo. Do vậy, tính bổ sung lẫn nhau và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo giữa hai bên cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ.
Bà Chiêu Ngọc Phương cũng đánh giá cao tính hiệu quả, thiết thực của Hội thảo và khẳng định phía Chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Đông sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm tạo sân chơi mới, mô hình mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, đưa hợp tác thương mại giữa hai bên lên tầm cao mới.
Tại Hội thảo, Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng có bài phát biểu giới thiệu tình hình sản xuất, xuất khẩu và các ưu thế cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Quảng Đông cũng có bài phát biểu nhấn mạnh nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo của Quảng Đông, đồng thời bày tỏ sẵn sàng xây dựng cơ chế tăng cường hợp tác với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, phát huy vai trò cầu nối cho doanh nghiệp hai bên tăng cường giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại gạo, nông sản.
Trong khuôn khổ hoạt động, Đoàn công tác cũng đã tiến hành khảo sát một số trung tâm phân phối, kho bãi và nhà máy chế biến gạo, nông sản lớn của tỉnh Quảng Đông.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2014, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 58,7 tỷ USD, tăng 17,05% so với năm 2013. Hết tháng 5 năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 26 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2014.
Theo thống kê của Hải quan Quảng Châu, kim ngạch thương mại Việt Nam – Quảng Đông 4 tháng năm 2015 đạt 4,44 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguồn:Bộ Công thương