Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Chính phủ và 32 điểm cầu địa phương có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 32 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, ngân hàng.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn... Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Tại Hội nghị, sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày 2 Báo cáo trung tâm, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; thống nhất đánh giá về những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, những năm qua, ngành thép luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng khác như công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp xây dựng, công nghiệp quốc phòng… Với sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành thép đã đạt những kết quả quan trọng, là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh: Sản lượng thép tăng bình quân 14,25%/năm trong giai đoạn 2011-2022, đặc biệt giai đoạn 2016-2022 tăng mạnh 27,11 %/năm; Sản xuất thép thô, thép xây dựng, thép cán nguội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN; Cơ cấu sản xuất thép chuyển dịch tích cực, gia tăng tỷ trọng sản lượng thép cán, yêu cầu chất lượng cao và giảm tỷ trọng sản lượng thép hình; Xuất khẩu tăng trưởng tốt (bình quân tăng gần 16%/năm) và chuyển dịch tích cực, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU; tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng có hàm lượng chế biến chế tạo (thép cán và thép hình) và giảm tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng thép nguyên liệu; Các doanh nghiệp trong nước có bước phát triển đáng ghi nhận, trong đó có những doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư lớn, công nghệ hiện đại; trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trong sản xuất thép hình (chiếm trên 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước) và thép hợp kim (chiếm trên 70% tổng sản lượng).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế đã lũy kế từ nhiều năm và cả những khó khăn trước mắt, cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, đặc biệt là việc các nước ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng nhiều rào cản, tiêu chuẩn khắt khe mới về môi trường, lao động.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp thép càng gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột địa chính trị dẫn đến đứt gãy nguồn cung toàn cầu, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, cầu thế giới suy giảm...
Theo Bộ trưởng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sắt thép, từ góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chủ đạo bao gồm:
Đối với các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách: Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tập trung hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành thép như các chính sách về thuế các loại (thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp...), thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm ngành thép; cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất thép; tiếp tục phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý ngành thép... Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác quốc tế, đầu tư, khai thác nguyên vật liệu tại nước ngoài phục vụ phát triển ngành thép trong nước. Bộ Công Thương sẽ đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép; đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tham mưu chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành thép theo hướng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, đáp ứng các yêu cầu cao về môi trường, lao động của các nước.
Đối với các giải pháp thu hút đầu tư, tạo nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất: Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là phát triển nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành thép và hệ thống các doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất và phát triển thị trường. Khuyến khích hợp tác thăm dò, khai thác nguyên liệu tại nước ngoài phục vụ sản xuất trong nước. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các sản phẩm thép yêu cầu kỹ thuật cao, hiện nay trong nước chưa sản xuất được hoặc năng lực cung cấp còn chưa đáp ứng, như: Thép cán nóng HRC, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cường độ cao, siêu nhẹ sử dụng cho các thiết bị vận tải cho ngành sản xuất xe hơi... Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như thép hợp kim, các sản phẩm thép cacbon thấp và các sản phẩm thép đặc biệt cho ngành chế biến chế tạo, đảm bảo phát triển bền vững. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư xem xét việc đầu tư mới các dự án sản xuất gang, thép, vật liệu xây dựng phải gắn với phương án tự chủ một phần nhu cầu điện thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất điện tự dùng để giảm áp lực cung ứng điện từ điện lưới quốc gia; không thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng.
Đối với các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ: Bộ trưởng đề nghị, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép; đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 04 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; Xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…
Bộ trưởng cho biết, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài; tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;
“Bộ sẽ kịp thời thông tin tới doanh nghiệp, Hiệp hội về diễn biến thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, phổ biến thông tin về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành thép và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu” – Bộ trưởng nhấn mạnh
Bộ trưởng cũng đề nghị các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đánh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu./.
Nguồn:Cổng TTĐT Bộ Công Thương