menu search
Đóng menu
Đóng

Cục diện ngành điện sẽ thay đổi khi 7 công ty lớn của EVN IPO thành công

20:00 03/08/2015

Vinanet - Đợt IPO của Genco 3 dự kiến thực hiện vào tháng 3/2016 được thị trường trông đợi. Bởi nếu thực hiện IPO thành công, các nhà máy Genco sẽ góp phần giảm bớt sự độc quyền của EVN và đẩy mạnh quá trình tự do hóa.
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) phân tích, tất cả các nhà máy điện Genco này đều có tài sản hoạt động lớn, trong đó mỗi nhà máy đóng góp 10% - 12% sản lượng điện cả nước. Tính đến ngày 31/3/2014, Genco 3 có tổng giá trị tài sản lớn nhất (3,7 tỷ USD), sau đó là Genco 1 (3,1 tỷ USD) và Genco 2 (1,3 tỷ USD). 

Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy của các nhà máy này còn rất cao và khả năng sinh lời còn thấp. Tỷ lệ đòn bẩy của Genco 3 lên đến 6,4 lần. Trong khi của Genco 1 và 2 lần lượt là 4,1 lần và 1,9 lần. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế hợp nhất (không tính lỗ từ chênh lệch tỷ giá) của Genco 3 năm 2013 chỉ đạt 283 tỷ đồng, trong khi của Genco 1 và 2 đạt lần lượt đạt 305 tỷ đồng và 2.523 tỷ đồng.

Danh sách công ty điện dự kiến sẽ thực hiện IPO hoặc niêm yết

 



Theo VCSC, PV Power được yêu cầu hoàn tất cổ phần hóa sau năm 2015 nhưng vẫn chưa lập kế hoạch IPO vì PetroVietnam phải chuyển nhượng một số dự án quy mô lớn, hiện vẫn đang thi công, cho PV Power (các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Vũng Áng 1 và Quảng Trạch 1). Vì các dự án này vẫn còn đang trong quá trình xây dựng nên khi sáp nhập vào PV Power sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính của công ty. Vì vậy, các bên liên quan đang thảo luận để đưa ra giải pháp cho các vấn đề này.

Thất bại của Vinacomin Power càng gây áp lực để thế hệ IPO sau thành công

Theo VCSC, sự thất bại của đợt IPO của Vinacomin Power có thể hỗ trợ quá trình cổ phần hóa trong ngành điện vì gây áp lực khiến EVN không thể phạm những sai lầm tương tự nữa. Đợt IPO này được thực hiện mà không có sự chuẩn bị đầy đủ, vẫn chưa có sự điều chỉnh giá điện với EVN (tức là mức hấp dẫn dành cho nhà đầu tư bên ngoài) và các sai lầm này càng trở nên nghiêm trọng hơn do tài sản điện niêm yết kém hấp dẫn. 

 

Chỉ có 0,5% trong số 236,4 triệu cổ phiếu Vinacomin Power chào bán thông qua đợt IPO được bán ra với giá trung bình 10.000 đồng/cổ phiếu. Thất bại của sự kiện này tiếp tục gây áp lực lên EVN để thực hiện thành công IPO cho các nhà máy điện khác (Genco 1, 2 và 3). Ngoài ra, bên cạnh việc cải thiện tỷ lệ đòn bẩy, khả năng sinh lời của các công ty trên cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư khi giá điện tăng (mà theo EVN thì hiện rất thấp).

Tuy nhiên, các đợt IPO của các nhà máy điện lớn trong thời gian tới đây vẫn đầy hứa hẹn vì EVN hiện đang tìm cách giảm lãi suất và gia hạn đối với các khoản nợ dành cho các nhà máy Genco trên. EVN dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và cho các nhà máy Genco trên vay vốn.

Theo báo cáo của VCSC, EVN hiện đang làm việc với Mercados Consultancy Company và Ngân hàng Thế giới để cải thiện tình hình tài chính của mình cũng như các nhà máy Genco trên và giải quyết tình trạng lỗ do chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, EVN không phải nắm giữ cổ phần kiểm soát tại các nhà máy Genco trên. 

Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang trong quá trình tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh và giá điện dự kiến sẽ tăng, qua đó hỗ trợ khả năng sinh lời của các nhà máy điện trên. Một khi giá điện được thực sự tự do hóa, khả năng sinh lời của các nhà máy Genco trên sẽ tăng mạnh so với hiện nay. Nếu thực hiện IPO thành công, các nhà máy Genco sẽ góp phần giảm bớt sự độc quyền của EVN và đẩy mạnh quá trình tự do hóa.