Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc PVDrilling về những ảnh hưởng của giá dầu, tỷ giá tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Dưới tác động của sự sụt giảm giá dầu, hầu hết các công ty trong ngành dầu khí đều có sự sụt giảm kinh doanh. PVD cũng không đứng ngoài “trào lưu” đó khi kết quả kinh doanh 6 tháng giảm 17% về doanh thu và 24% lợi nhuận so với cùng kỳ. Bà đánh giá thế nào về kết quả này?
Lợi nhuận 6 tháng 2015 giảm 24%, tức là đang dần trở lại mức “bình thường” của năm 2013. Tôi dùng từ “bình thường” năm 2013 là nhằm nhấn mạnh sự sôi động “đột biến” của thị trường khoan năm 2014. Hàng năm, thị trường khoan tại Việt Nam có khoảng 14 – 15 giàn hoạt động, nhưng thị trường đã tăng lên đạt khoảng 20 - 21 giàn trong năm 2014 và doanh thu ngày (Day rate) đã có lúc lên đến 165.000 USD/1 ngày.
Đi cùng với sự gia tăng này, giá dịch vụ kỹ thuật giếng khoan tăng trưởng mạnh tới 40% - 50%. Những điều này làm kết quả kinh doanh năm 2014 trở thành “ấn tượng”, lợi nhuận tăng 29%, mặc dù số lượng giàn khoan sở hữu hoạt động vẫn giữ nguyên là 4 giàn so với 2013.
Năm 2015, giá dầu đã về mức thấp nhất trong 5 năm qua với giá trị giảm 50%. Giá cho thuê giàn khoan bình quân cũng đã giảm và dần quay trở lại mức đầu năm 2013. Nhu cầu giàn khoan cũng về lại mức từ 14 – 15 giàn (bao gồm 4 giàn của nhà thầu dầu Vietsovpetro), tương ứng khối lượng công việc cũng đã giảm 30% so với nhu cầu ở mức đỉnh 2014. Điều này làm kết quả doanh thu và lợi nhuận PVD sụt giảm so với 2014, tuy nhiên so sánh với cùng kỳ năm 2013, lợi nhuận tăng 17% nhờ đóng góp của giàn khoan VI đi vào hoạt động từ đầu tháng 3.
PVD luôn tin tưởng rằng cùng với những giải pháp ngắn và trung hạn, hoạt động SXKD của PVD sẽ tiếp tục đạt hiệu quả, đặt biệt PVD sẽ xem xét các cơ hội đầu tư để “bắt đáy” giá trị đầu tư, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, tối ưu hóa chi phí... để tiếp tục phát triển bền vững trong những năm sắp đến.
Theo báo cáo tài chính quý 2, trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết giảm, theo bà nguyên nhân do đâu?
Điều này do cách ghi nhận lợi nhuận được chia của liên doanh PVD BakerHughes. Hoạt động của liên doanh PVD BakerHughes có tính đặc thù, hơi khác so với các liên doanh khác. Hàng năm, hai bên trong liên doanh (PVD và BakerHughes) sẽ phải ký biên bản thỏa thuận phân chia doanh thu và lợi nhuận, sau khi kiểm soát và thống nhất về mọi chi phí trong liên doanh.
Do vậy, việc ghi nhận lợi nhuận của liên doanh PVD BakerHughes thường có “độ trễ” nhất định. Cụ thể, lợi nhuận liên doanh năm 2013 (123 tỷ) được ghi nhận vào quý 2/2014, còn lợi nhuận 2014 là 200 tỷ đồng sẽ được ghi nhận trong quý 3/2015.
Bà có thể chia sẻ dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2015?
Sáu tháng cuối năm là giai đoạn nhiều khó khăn, phải nói là rất “gập ghềnh”, không dễ đi chút nào. Giá dầu bất thường làm cho các công ty dầu khí luôn phải đặt mình trong tình trạng phải chuẩn bị ứng phó với những tình huống không mong đợi.
Đối với PVD, chúng tôi đã kịp thời chia sẻ cùng với các nhà thầu dầu những thiệt hại từ việc giảm giá dầu. Ngay từ quý 2, một số hợp đồng cũng đã điều chỉnh giá dịch vụ giảm 5% - 10%, một số giàn khoan có giá đàm phán theo giá dầu. Các khách hàng của PVD đánh giá rất cao đối với những hành động này. Do vậy, dù không chính thức có sự cam kết nào từ khách hàng, PVD tự tin là đủ sức thuyết phục khách hàng tiếp tục duy trì và gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ của PVD.
Chúng tôi đang thực hiện tất cả các biện pháp để tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 200 tỷ đồng chi phí so với ngân sách.
Với những giải pháp này, PVD đặt mục tiêu cố gắng để lợi nhuận giảm không quá 20% so với năm 2014. Đây là mục tiêu rất thử thách trong bối cảnh hiện nay.
Một số nhận định cho rằng tỷ giá có thể tiếp tục tăng, sau khi NHHHNN điều chỉnh biên độ từ +/- 1% lên +/-2%. Áp lực tăng tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến PVD, đến các khoản thanh toán bằng USD cho các khoản vay, nhà thầu phụ?
Về bản chất, rủi ro tỷ giá trong dài hạn là không có. Hiện nay, 80% - 90% tổng nguồn thu của PVD chủ yếu bằng USD, trong khi đó chi phí bằng USD chiếm khoảng 70% - 75% tổng chi phí, nên PVD có đủ nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí phát sinh từ ngoại tệ. Nói đúng ra, biến động tỷ giá như hiện nay phần nào mang lại lợi thế cho PVD.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, với dự trữ ngoại hối đạt khoảng 40 tỷ đô la, Ngân hàng nhà nước cũng xem xét không nên tiếp tục để mất giá tiền đồng Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển. Điều này cũng sẽ hỗ trợ thị giá của các công ty niêm yết không bị sụt giảm so với giá trị thực của các Doanh nghiệp niêm yết như hiện nay, trong đó có PVD.
Câu hỏi cuối cùng, bà so sánh PVD thế nào so với các công ty cùng ngành? Khả năng cạnh tranh và triển vọng của PVD trong 2016 và những năm tới?
So với thế giới, PVD là nhà thầu khoan còn khá trẻ và năng động, có nhiều sự khác biệt so với các công ty quốc tế có rất nhiều năm kinh nghiệm như Ensco, Transocean, Shelf Drilling, Seadrill, DiamondOffshore... So với trong khu vực, về mức độ tương đồng thì PVD tương tự như nhà thầu khoan trẻ UMW tại Maylasia. Hiện nay, xét về năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động các giàn khoan, PVD có đủ nguồn lực nội tại cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Triển vọng 2016 và những năm tới, PVD vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Nhu cầu giàn khoan tại Việt Nam trong những năm tới và dài hạn vẫn cần 14 - 15 giàn khoan, trong khi đó PVD chỉ mới sở hữu 5 giàn, đáp ứng 30% thị phần nếu không tính số lượng giàn khoan do PVD thuê lại. Là nhà thầu khoan có hoạt động tham gia suốt cả một quá trình, từ tìm kiếm thăm dò đến khai thác, PVD có thuận lợi hơn khi một số dự án sẽ quay trở lại trong những năm sau, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, như Block B Ô Môn, Cá Rồng Đỏ, dự án Talisman, v.v... PVD đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp triển khai dự án đầu tư giàn khoan Tender Barge, giàn khoan tự nâng Super B Class nhằm nắm bắt kịp thời những cơ hội trên.
Mặc dù giá dầu (Brent) đã giảm trở lại gần đây xuống dưới 50$/thùng, nhưng nhu cầu năng lượng trong dài hạn vẫn gia tăng. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ khoảng 400.000 thùng dầu/ngày và dự báo tiếp tục tăng bình quân 3% hàng năm. Với năng lực cạnh tranh của PVD đối với thị trường Đông Nam Á và Châu Á, và với ưu thế của nhà thầu khoan địa phương đối với thị trường trong nước, tôi tin tưởng PVD sẽ tiếp tục kinh doanh hiệu quả vững bền trong những năm tới.
Xin chân thành cảm ơn bà.
Theo Đan Nguyên
Trí thức trẻ