Bài toán nan giải của Vietnam Airlines
CTCP Khách sạn Hàng không (AH JSC) là một trong bốn danh mục (cùng với ba danh mục gồm Công ty Nhựa cao cấp Hàng không, Công ty CP Đầu tư Hàng không và Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn) mà Vietnam Airlines phải sớm hoàn tất thoái vốn trong thời gian tới.
Trên thực tế, AH JSC từng được cho là “bài toán nan giải nhất” của Vietnam Airlines trong lộ trình thoái vốn. Được thành lập năm 2006 với mục tiêu ban đầu là tiếp tục triển khai dự án khách sạn tại lô đất 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, nhưng trong suốt 9 năm hoạt động, AH JSC có kết quả kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Tại doanh nghiệp này, Vietnam Airlines góp 57,6 tỷ đồng (tương đương 3,6 triệu USD) bằng một phần giá trị đầu tư dở dang tại lô đất này. Phần còn lại trong giá trị tòa nhà đã được xây dựng dở dang (tương đương 5,341 triệu USD) được Vietnam Airlines cho AH JSC nợ.
Phương án bán cổ phần tại CTCP Khách sạn Hàng không cũng được Vietnam Airlines xây dựng cụ thể trình Bộ GTVT. Theo đó, dự kiến ngày 8/12/2015 sẽ đấu giá một lô với số lượng 4.224.000 cổ phần.
Để “gỡ nút thắt” này cho Vietnam Airlines, Chính phủ đã đồng ý với phương án toàn bộ số cổ phần của DN này tại CTCP Khách sạn Hàng không sẽ được thoái theo phương thức bán trọn lô cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kèm theo điều kiện nhận và thanh toán toàn bộ công nợ cho Vietnam Airlines. Trước đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cũng nhận định đây là phương án tối ưu nhất, đảm bảo thoái vốn và thu hồi đủ số nợ phải thu, tránh được rủi ro.
Triển khai các công việc còn lại, Vietnam Airlines đã thuê tư vấn xác định giá trị cổ phần, đề xuất mức chào bán khởi điểm và tư vấn các thủ tục thoái vốn. Mức giá chào bán khởi điểm sau đó đã được tư vấn định giá 20 nghìn đồng/cổ phần.
“Trong trường hợp đấu giá không thành công, chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu giá hoặc có thêm nhà đầu tư quan tâm (nếu có) sau đấu giá, Vietnam Airlines sẽ bán thỏa thuận theo nguyên tắc giá đàm phán không thấp hơn giá khởi điểm”, văn bản do Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh ký nêu rõ.
Nguy cơ chậm tiến độ
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có việc theo quy định hiện hành, Vietnam Airlines ngoài việc phải thực hiện thoái vốn trọn lô thông qua hình thức bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán còn phải phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng quy chế bán cổ phần theo lô.
Tuy nhiên, ông Phạm Viết Thanh cho biết, Sở Giao dịch chứng khoán chỉ có thể xây dựng quy chế bán đấu giá theo lô cho Tổng công ty sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô.
“Do tính phức tạp và đặc thù của việc thoái vốn theo lô kèm theo điều kiện nhận và thanh toán nợ nên việc thống nhất với Sở Giao dịch chứng khoán để ban hành Quy chế bán cổ phần của Tổng công ty tại CTCP Khách sạn Hàng không và hoàn thiện bộ hồ sơ gửi UBCKNN sẽ mất rất nhiều thời gian. Từ thời điểm xác định giá trị cổ phần của CTCP Khách sạn Hàng không (để làm cơ sở đề xuất giá khởi điểm) đến thời điểm UBCKNN có văn bản chấp thuận hồ sơ thoái vốn có thể vượt quá 6 tháng và Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ khó có thể thoái vốn theo tiến độ”, ông Thanh phân tích.
Từ đây, ông Thanh kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận giao người đại diện thống nhất với HĐQT Tổng công ty quyết định mức giá khởi điểm trên cơ sở cập nhật lại kết quả định giá cổ phần tại CTCP Khách sạn Hàng không trong trường hợp UBCKNN chấp thuận hồ sơ thoái vốn của Vietnam Airlines chậm hơn ngày 31/12/2015 (tức là vượt quá 6 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị cổ phần). Ông Thanh cũng nêu rõ, nếu giá khởi điểm xác định lại thấp hơn phương án đã được phê duyệt (20 nghìn đồng/cổ phần, giá trị lô cổ phần bán đấu giá là hơn 84,4 tỷ đồng), Vietnam Airlines sẽ phải báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định trước khi tiến hành tổ chức đấu giá theo quy định.
Theo Thanh Bình
Báo giao thông
Nguồn:Báo Giao thông