menu search
Đóng menu
Đóng

VNM (hợp nhất): 9 tháng lãi gần 5.869 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm

11:16 29/10/2015

Vinamilk ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý III/2015 là hơn 2.122,5 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 2.135 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk-mã VNM - HOSE) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2015, với doanh thu thuần đạt 10.549,3 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ này, giá vốn hàng bán của công ty giảm gần 4% điều này đã khiến cho lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý III/2015 tăng mạnh 56,4% và đạt gần 5.350 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính quý III/2015 của Vinamilk giảm nhẹ 2,7% xuống mức hơn 176 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính đạt hơn 87 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Chi phí bán hàng kỳ này của Vinamilk đạt gần 1.666 tỷ đồng, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm 2014. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 8,8% lên mức hơn 220,5 tỷ đồng.

Kết quả, Vinamilk ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý III/2015 là hơn 2.122,5 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 2.135 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của công ty đạt trên 29.765 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 35% lên mức hơn gần 5.869 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 5.877 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 86% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2015 mà ĐHĐCĐ đặt ra hồi đầu năm.

Hết quý III/2015, tiền và tương đương tiền của Vinamilk đạt hơn 1.409,8 tỷ đồng, tăng khoảng 7,7% so với số đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty tăng 7,5% và đạt hơn 2.984 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng nhẹ gần 3% và đạt hơn 3.669,8 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn của công ty tại thời điểm 30/9/2015 đạt hơn 6.183,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với số đầu năm.

Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)..

Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết "Chúng tôi muốn nới room lên mức được Chính phủ phê chuẩn vì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cả kinh nghiệm quản lý cho doanh nghiệp”.

NDH

Nguồn:NDH