menu search
Đóng menu
Đóng

Vướng nợ, lọc dầu Dung Quất vẫn chưa bán xong cổ phần

11:49 24/06/2015

Do gặp vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ của Công ty chủ quản, quá trình đàm phán lọc dầu Dung Quất có khả năng bị kéo dài và khó có thể hoàn thành trước cuối tháng 6 này.
Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo về tình hình triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí tháng 5/2015.

Vướng nợ, lọc dầu Dung Quất vẫn chưa bán xong cổ phần

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong tháng 5/2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiến hành đàm phán với tập đoàn Gazprom Neft của Nga (GPN) về giá trị định giá và phương án xử lý các khoản nợ của Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Tuy nhiên kết quả định giá của hai bên còn nhiều khác biệt, đồng thời việc xử lý các khoản nợ của BSR tương đối phức tạp. Do đó, quá trình đàm phán có khả năng bị kéo dài và khó có thể hoàn thành trong thời gian hiệu lực của bản thỏa thuận khung (trước ngày 30/6/2015) mà hai bên đã ký.

Trước đó, tin cho biết trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận để công ty con của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom là Gazprom Neft có thể mua 49% cổ phần doanh nghiệp vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất của công ty Bình Sơn.

Thuộc tập đoàn Gazprom, hiện Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Gazprom đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.

Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo về tình hình triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí tháng 5/2015.

Trong khi đó, đi vào hoạt động năm 2010, nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam.

Dự án "tỷ đô" Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn cùng chậm tiến độ

Đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9,9 tỷ USD ở Thanh Hóa, theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo, tiến độ tổng thể của dự án tính đến hết tháng 4/2015 đạt 44,79%, không bị chậm và vẫn đảm bảo hoàn thành trong 40 tháng (tính đến mốc hoàn thành cơ khí).

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với bản tiến độ gốc (chưa điều chỉnh) thì tính đến hết tháng 4/2015 dự án đã bị chậm hơn 5,5 tháng, chỉ đạt 44,79% so với kế hoạch là 50,23%.

Nguyên nhân chậm trễ vẫn chủ yếu do công tác chế tạo/giao nhận thiết bị, trong đó bao gồm việc một số nhà sản xuất Hàn Quốc như TSM, Wooyang bị phá sản, việc đình công tại Công ty Huyndai Heavy Industries, xưởng sản xuất của Posco Plantect tại Ulsan phải đóng cửa do khủng hoảng tài chính... Bên cạnh đó, còn một số vấn đề tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án như: Việc điều chỉnh thiết kế một số công trình nhà, trong đó có trung tâm điều khiển...

Về tiến độ giải ngân dự án Lọc dầu Nghi Sơn, đến 11/6/2015, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nhận 9 lần giải ngân từ các bên cho vay với tổng giá trị là hơn 2,27 tỷ USD. Còn số vốn góp, đến nay các bên tham gia liên doanh dự án này đã góp tổng cộng xấp xỉ 2 tỷ USD (trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã góp xấp xỉ 500 triệu USD).

Ban Chỉ đạo đánh giá, đây là giai đoạn nước rút, vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ khu C của dự án trước ngày 30/6/2015.

Báo cáo cũng cho hay, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có vốn đầu tư 2,7 tỷ USD cũng có nhiều khả năng chậm tiến độ. Việc sáp nhập nhà đầu tư QPI (Qatar Petroleum International) - đối tác góp vốn trong Công ty TNHH Lọc dầu Long Sơn vẫn đang được tiến hành. Do đó, QPI vẫn chưa cử nhân sự tham gia Lọc dầu Long Sơn.

Vì vậy, công tác phê duyệt, thông qua các nghị quyết của Hội đồng thành viên lọc hóa dầu Nghi Sơn (chương trình ngân sách 2015, việc điều chỉnh nội dung hợp đồng liên doanh...) vẫn chưa có tiến triển và có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Dự kiến tháng 6, các bên liên quan sẽ làm việc với Chủ tịch Qatar Petrolum - kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Nguồn:Dân trí