menu search
Đóng menu
Đóng

CEO HVG: Cơ hội chỉ đến với những người dám nghĩ, dám làm

08:41 13/10/2015

Theo quan điểm của ông Dương Ngọc Minh, trong làm ăn kinh doanh tất cả nên gói gọn trong từ “cơ hội”. Ai biết nắm bắt cơ hội sẽ thắng, tất nhiên cơ hội chỉ giành cho những người dám nghĩ, dám làm mà thôi.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) lâu nay đã quen thuộc với thị trường qua tên gọi Minh “cá tra” mới đây bất ngờ công bố thông tin chuyển hướng kinh doanh khi bỏ ra một khoản tiền lớn chưa từng có vào việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi heo khép kín với tổng cộng 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu năm, ông còn khẳng định sẽ trở lại con đường xuất khẩu tôm và giành lại ngôi vị “vua tôm” từng có trước đây, đối đầu với các đối thủ cạnh tranh đáng gườm như là Minh Phú.

Vậy cơ duyên nào khiến cho vị doanh nhân này có những thay đổi mạnh trong hướng làm ăn như vậy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

PV: Xin chào ông Minh. Sau cá tra và tôm, giờ đây ông lại chuyển sang thức ăn chăn nuôi và nuôi heo. Trên thị trường nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi, trong đó đáng chú ý là ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai. Phải chăng đây là “mốt” hiện nay của các "đại gia"?

Ông Dương Ngọc Minh: Việt Nam là nước nông nghiệp, chúng ta có nguồn nguyên liệu trong nước sẵn có khá dồi dào như cám gạo, khoai mì, bắp, một phần chúng ta nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thị trường tiêu thụ khổng lồ với hơn 90 triệu dân trong nước , tổng cộng hơn 600 triệu dân ở khu vực Asean và thị trường Trung Quốc ngay sát sườn, cùng những hiệp định thương mại tự do trong khu vực với nhiều lợi thế. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp nếu đi đúng hướng, tôi cho rằng chúng ta vẫn có cơ hội chiến thắng trên thị trường toàn cầu.

Chẳng hạn như HVG làm việc với các tập đoàn của Đan Mạch trong dự án chăn nuôi heo khép kín, họ đánh giá chi phí giá thành nuôi ở Việt Nam sẽ ngang mức ở Đan Mạch, trong khi chúng ta lại có các sản phẩm đầu ra với công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu ngay tại đây.

Và việc đầu tư vào chăn nuôi không phải là vấn đề mới của Hùng Vương. Công ty từ lâu đã đi từ các sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian qua, chúng tôi đã quản lý được, đã làm xong được nhiệm vụ phát triển thị trường, đã quản lý được chất lượng, quản lý được đầu ra cho sản phẩm. Đó là cơ sở để chúng tôi tự tin với khoản đầu tư này.

Việt Nam sắp sửa gia nhập TPP, nhiều ý kiến bày tỏ việc đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi sẽ vấp phải vô vàn khó khăn. Còn ông đánh giá như thế nào?

Như tôi đã nói, chúng ta có lợi thế, và các hiệp định bao gồm TPP cũng vậy. Nhiều người cho rằng ngành chăn nuôi sẽ tổn thương nhưng tôi không nghĩ vậy. Sự tổn thương chỉ đến với các doanh nghiệp nhỏ lẻ không làm ăn bài bản, không có quy trình khép kín, giá thành cao so với đối thủ cạnh tranh.

Còn với Hùng Vương, tôi tin rằng chúng tôi sẽ cạnh tranh được vì chúng tôi trước mắt chúng tôi tập trung vào thị trường nội địa. Hơn nữa TPP cũng giúp các thị trường trở nên gần gũi hơn, không bị cản trở bởi các hàng rào thuế quan, mà một trong số đó chúng tôi quan tâm là thị trường Nhật – một thành viên của TPP. Tôi cho rằng thị trường đang có nhiều tiềm năng, người tiêu dùng quan tâm và yêu thích hơn các sản phẩm tươi, sạch hơn là đồ đông lạnh vì thế việc tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tất nhiên, khi vào TPP cũng có những khó khăn nhất định. Hôm nay tôi đã gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, Chính phủ cho biết sẽ có những hỗ trợ cho ngành nông nghiệp để giúp ngành nông nghiệp thoát khỏi lạc hậu. Việc thoát khỏi lạc hậu trước hết phải đến từ công nghệ và Hùng Vương chúng tôi đang làm tốt điều đó. Vậy nên tôi khá tự tin.

Việc chuyển hướng kinh doanh như vậy phải chăng ông sẽ giảm đầu tư vào tôm và cá tra, tập trung vào thức ăn chăn nuôi và nuôi heo? Thị trường đã quen với Minh “cá tra”, giờ đây thương hiệu ấy sẽ bị thay đổi phải không?

À không! Chúng tôi không giảm kinh doanh cá tra, tôm mà còn phát triển thêm. Năm 2015 Hùng Vương đã đầu tư 2 nhà máy chế biến cá tra hơn 600 tỷ toàn bộ công nghệ mới và 1 nhà máy tôm cũng mới đi vào hoạt động.Nói về đầu tư thủy sản, đặc biệt là cá tra thì Hùng Vương đang đầu tư tốt nhất.

Ngoài xuất khẩu, chúng tôi còn đang phát triển kênh bán lẻ con cá và con tôm ở thị trường Việt Nam. Tôi khẳng định Hùng Vương không dừng cuộc chơi mà mở rộng, từng bước phát triển chiếm lĩnh thêm thị phần.

Việc chuyển hướng kinh doanh thêm là nằm trong tính toán của chúng tôi vì tới đây thị trường mở cửa, các nhà đầu tư sẽ nhìn vào các doanh nghiệp lớn nhất, chuyên nghiệp nhất. Bạn phải biết, khi hội nhập thị trường sẽ không còn chỗ đứng cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ, làm ăn không quy củ, mất uy tín, giá thành cao, mà chỉ còn lại các doanh nghiệp đầu tàu và Hùng Vương là một trong số ấy.

Tôi cho rằng trong làm ăn kinh doanh tất cả nên gói gọn trong từ “cơ hội”. Ai biết nắm bắt cơ hội sẽ thắng, tất nhiên là cơ hội chỉ giành cho những người dám nghĩ, dám làm mà thôi.

Còn về thứ mà bạn gọi là thương hiệu Minh cá tra thì tôi nghĩ thế này. Dấu ấn nhiều nhất của tôi là người lao động, tôi đi lên từ một nông trường. Vấn đề nông nghiệp ăn sâu vào bản chất của tôi và chúng tôi đã thành công, nhất là với con cá tra và thức ăn thủy sản.

Thêm vào đó, ở Hùng Vương chúng tôi có đội ngũ nhân sự không phải đa ngành nghề mà là những cán bộ có kinh nghiệm sâu trong từng lĩnh vực nên việc phát triển thêm mảng thức ăn chăn nuôi và nuôi heo cũng không có gì khó khăn. Tôi nghĩ một Dương Ngọc Minh đầu tư đa ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là phù hợp nhất.

Nói riêng về chăn nuôi thì Hùng Vương hiện nay sẽ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh nào thưa ông?

Nghề thức ăn chăn nuôi và con giống hiện nay chúng ta đều biết đang rơi vào tay các ông lớn như là CP, Cargill, New Hope, Proconco …Các doanh nghiệp FDI này họ chiếm tới 80% thị phần rồi, và đó chắc chắn là đối thủ cạnh tranh.

Trước các đối thủ này chúng tôi phải tính toán. Họ là những doanh nghiệp có bề dày trên chục năm chiếm lĩnh thị trường, vì thế để cạnh tranh mình phải đi vào cái khó nhất đó là chuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín. Chọn phương án này đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ tốt, con giống tốt và giá thành phù hợp với thị trường và Hùng Vương làm được điều đó.

Đầu tư lớn như vậy, công ty của ông có mục tiêu gì không?

Tất nhiên. Khi đầu tư và mở rộng đầu tư chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng. Không ai dại gì bỏ ra một khoản tiền lớn mà không biết nó sẽ đi đâu về đâu.

Khi tham gia vào ngành thức ăn chăn nuôi, chúng tôi lên kế hoạch sẽ chiếm lĩnh 10 – 15% thị phần vào năm 2018 và tự tin với mục tiêu này bằng những công nghệ, quy trình sản xuất và kinh nghiệm chúng tôi đã có.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu năm 2018 sẽ là doanh nghiệp có doanh số số 1 ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều đó có quá tham vọng không thưa ông?

Lịch sử từ ngày ban đầu đi vào hoạt động, doanh số bán năm đầu của Hùng Vương chưa đến 1 tỷ, nay đã hơn 24.000 tỷ, tức tăng gấp 24.000 lần. Tôi cho rằng sự phát triển ấy không phải là tham vọng mà là chiến lược của chúng tôi.

Nói đến chiến lược, thời gian qua Hùng Vương nổi danh trên thị trường với các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp khá mạnh, gồm mua lại thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, thủy sản Agifish, Thực phẩm Sao Ta…Vậy khi đầu tư vào chăn nuôi ông có định thâu tóm tiếp doanh nghiệp nào không, hay kêu gọi đầu tư thêm từ nước ngoài?

Các thương vụ M&A mà chúng tôi thực hiện thời gian qua khá thành công. Đến nay, tôi vẫn để cho các đơn vị đó quản lý và phát triển theo đúng chuyên ngành của họ.

Còn về mảng thức ăn chăn nuôi và nuôi heo, chúng tôi lấy cơ sở thị trường, kinh nghiệm và đầu tư công nghệ mới để phát triển, mở rộng.

Tôi đánh giá, ngành chăn nuôi đầu tư mới có lợi hơn là mua cái cũ (M&A). Vì giá trị đầu tư mới cho năm 2015, 2016 thấp hơn 10 năm trước vì đồng yên và đồng tiền khác thế giới đều mất giá, mua công nghệ mới giá rẻ hơn là mua nhà máy cũ.

Bên cạnh đó, nghị định 210 của Chính phủ, của Bộ nông nghiệp đang khuyến khích đầu tư công nghệ mới cho chăn nuôi thì chẳng dại gì lại đi mua đồ cũ. Chúng tôi sẽ dựa vào công nghệ, nguồn lực, dựa vào hỗ trợ của nhà nước, vào nhu cầu thực tiễn của địa phương để đầu tư.

Còn về khoản đầu tư nước ngoài, nếu nhà đầu tư nào đó đưa tiền cho chúng tôi thì chúng tôi không cần, vì chúng tôi có thừa khả năng huy động vốn. Các công ty con của chúng tôi còn nhiều, có thể phát hành trái phiếu, chúng tôi cũng có thể vay dài hạn ngân hàng một cách dễ dàng. Nhà đầu tư muốn vào Hùng Vương thì phải đáp ứng hai điều kiện của chúng tôi, một là phải đồng hành cùng, hai là phải có được cá gì mới mẻ mang đến cho Hùng Vương.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2015, ông có điều gì muốn nhắn nhủ tới các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trước thềm hội nhập?

Hiện nay doanh nhân Việt Nam đang ở “chiến trường” khốc liệt, vì nhà nước mở ra thị trường cho sân chơi cho doanh nhân qua hội nhập. Doanh nghiệp Việt Nam đang rất mỏng về tài chính, về kiến thức kinh doanh do đó cần hỗ trợ của nhà nước trong vấn đề hoạt động để có thể đối đầu, cạnh tranh được với công nghệ mới từ nước ngoài vào. Các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng và tính toán lại hoạt độngcủa mình một cách kỹ lưỡng.

Tôi tin rằng doanh nhân Việt Nam sẽ đứng vững và cạnh tranh được trên thị trường. Doanh nhân Việt Nam chúng ta có bản chất tốt có thể sánh bằng hoặc hơn doanh nhân trên thế giới đó là tính dân tộc rất cao.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, BBT kính chúc ông dồi dào sức khỏe. Chúc cho Hùng Vương thành công hơn nữa trên con đường kinh doanh!

Theo Tùng Lâm
Trí thức trẻ

Nguồn:Trí thức trẻ