menu search
Đóng menu
Đóng

FDI da giày “chơi chiêu”

10:21 15/12/2015

Các doanh nghiệp FDI chiếm chưa đầy 25% số lượng doanh nghiệp ngành giày nhưng lại quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu.


Da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Nhưng miếng bánh xuất khẩu ngành hàng này phần lớn đang rơi vào tay các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các công ty đến từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Cơ hội đãi khách

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), với 800 doanh nghiệp và khoảng 1 triệu lao động, các doanh nghiệp FDI chiếm chưa đầy 25% số lượng doanh nghiệp ngành giày nhưng lại quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu. Có cả những doanh nghiệp FDI giữ vai trò dẫn dắt, chẳng hạn như Pouchen.

Ðây là một trong những tập đoàn sản xuất da giày lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, Pouchen có các công ty trực thuộc như PouYuen (TP.HCM), PouHung, PouLi (Tây Ninh), PouChen, PouSung (Đồng Nai), Dũ Đức (Tiền Giang), Duy Khang (Long An). Tổng doanh thu của các công ty con này đạt trên 30.000 tỉ đồng trong năm 2014, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày của Việt Nam.

Sản lượng giày dép sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp FDI đã tăng mạnh trong những năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với mục đích đón đầu cơ hội gia tăng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã đàm phán xong như TPP, FTA Việt Nam - EU hay FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Đặc biệt, khi TPP được thông qua, hàng hóa từ các nước thành viên trong TPP xuất khẩu qua thị trường Mỹ sẽ được hưởng mức thuế quan ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với việc các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Nike và Adidas sẽ đặt mua hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn.

Đặc biệt, theo lộ trình giảm thuế, cuối năm 2015, thuế suất đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ về 0%, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam.

 

Tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong kim ngạch xuất khẩu da giày

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, cho rằng ngành da giày Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, muốn nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp phải xác định được mình đang đứng ở đâu và nhất là phải dựa vào các doanh nghiệp mạnh. Chẳng hạn như trường hợp Công ty giày Thái Bình hiện đang tạo điều kiện hết mức để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhau phát triển.

Lợi dụng chuyển giá?

Nguyên liệu phụ thuộc quá nhiều thị trường ngoại và doanh nghiệp ngoại lại chiếm ưu thế tại thị trường nội địa là môi trường thuận lợi cho hành vi chuyển giá. Thông tin giao dịch trên thị trường bị các doanh nghiệp ngoại trong chuỗi cung ứng toàn cầu thao túng. Như vậy, rất khó để cơ quan quản lý xác định được những giao dịch liên kết, giao dịch dưới mức giá thị trường làm cơ sở xác định hành vi chuyển giá.

Theo Lefaso, tỉ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Đối với da thuộc thành phẩm, tỉ lệ nội địa hóa vẫn dưới 30%. Việt Nam cũng chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt cho biết ngành da giày mới chỉ chủ động được 30% nguyên liệu da thuộc. Vì vậy, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 1,1-1,5 tỉ USD da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu. Hầu hết máy móc thiết bị sản xuất sử dụng trong ngành đều phải nhập khẩu.

Ðây là những giao dịch liên quan đến thị trường quốc tế. Doanh nghiệp FDI nhập nguyên liệu đầu vào với giá cao ngất ngưởng và bán sản phẩm dưới mức giá thành. Ðó là cách để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo những hợp đồng mua bán nguyên liệu và thành phẩm. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu máy móc, tài sản cố định với giá “trên trời” nhằm tăng giá trị đầu tư tại nước sở tại, khấu hao vào chi phí sản xuất qua các năm cũng là một cách chuyển giá.

Tất nhiên, vẫn có thể có những doanh nghiệp khó khăn thực sự, hoặc lỗ do đang ở trong giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp lỗ “bất thường” khiến dư luận không thể không nghĩ đến việc chuyển giá.

Có thể kể ra những doanh nghiệp báo mức lỗ lên đến hàng trăm tỉ đồng như Freewell Việt Nam, Giày Fu Luh, Giày Thông Dụng hay Shyang Hung Cheng. Các công ty này không chỉ lỗ trong ngắn hạn mà đã có lịch sử thua lỗ từ nhiều năm trước, thể hiện qua số lỗ lũy kế khổng lồ tính đến thời điểm hiện tại. Freewell, Freetrend Industrial, Ching Luh là những “quán quân” về lỗ, với mức lỗ lũy kế lên đến trên 800 tỉ đồng vào cuối năm 2014.

Lỗ lớn kéo dài, nhưng Freetrend Industrial vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy tại Linh Trung, TP.HCM. Không những vậy, không ít doanh nghiệp FDI còn kinh doanh dưới giá vốn trong nhiều năm liền như trường hợp Annora hay Hong Fu. Trong khi các doanh nghiệp cùng lĩnh vực có lợi nhuận lớn, thì các doanh nghiệp này lại báo cáo lỗ. Nghi vấn về chuyển giá là hoàn toàn có cơ sở. Thời gian đến cuối năm là thời điểm để các cơ quan ngành thuế tiến hành kiểm tra, làm sáng tỏ những nghi vấn nêu trên, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đình Bắc

(Theo nhipcaudautu.vn)

Nguồn:nhipcaudautu.vn