Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đã đạt mức 4.83 triệu tấn, tăng 43% trong tháng 03, và cao hơn nhiều so với mức 3.37 triệu tấn trong một năm trước đó, dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy. Trong khi đó,khối lượng nhập khẩu từ Brazil lại giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.67 triệu tấn. Mưa đã làm trì hoãn vụ thu hoạch ở các khu vực trồng trọt chính ở Brazil đầu năm nay dẫn tới giai đoạn xuất khẩu cao điểm cũng bị lùi lại. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu bán hàng đậu tương của Mỹ trong những tuần gần đây, xuất khẩu từ nước này sang Trung Quốc có thể sẽ ghi nhận tốc độ chậm hơn đáng kể trong giai đoạn quý II này. Tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 tại bang Rio Grande do Sul của Brazil hiện đạt 54% kế hoạch, tăng 22% so với một tuần trước, Công ty Hỗ trợ kỹ thuật và Khuyến nông Nông thôn Emater cho biết. Mặc dù còn số này vẫn chậm hơn so với mức 75% trung bình lịch sử nhưng với kỳ vọng về mùa vụ kỉ lục thì nguồn cung ở Nam Mỹ vẫn đang chiếm dần tính cạnh tranh hơn so với đậu tương Mỹ.
Trong khi đó, tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt-tuyệt vời vẫn duy trì ở mức rất thấp 3% diện tích. TIến độ thu hoạch ở mức 17% diện tích dự kiến, thấp hơn mức 31% cùng kỳ năm ngoái và mức 35% trung bình 3 năm. Tuy nhiên, càng đến gần cuối giai đoạn thu hoạch thì tác động hỗ trợ từ yếu tố này sẽ càng nhẹ dần.
Giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co trước những thông tin cơ bản trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/04, giá cà phê cùng suy yếu. Arabica giảm hơn 3% do triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil. Robusta giảm nhẹ 0.5% khi tồn kho trên Sở ICE duy trì ở mức cao so với tuần trước đó.
Doanh số bán hàng cà phê tăng nhanh trước giai đoạn thu hoạch Arabica niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ giảm bớt những lo ngại về vấn đề khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Tình đến ngày 17/04, Brazil đã đẩy nhanh tốc độ bán hàng cà phê niên vụ mới lên 23% mức sản lượng tiềm năng, xấp xỉ mức mức trung bình những năm gần đây với 24% sản lượng dự kiến.
Hiện tại, khi giai vụ thu hoạch mới ngày càng đến gần, kết hợp với kỳ vọng sản lượng sẽ nới lỏng so với 2 năm trước đó, hoạt động bán hàng của nông dân sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đây khả năng cao sẽ là yếu tố gây áp lực khiến giá giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự xóa bỏ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi tồn kho đạt chuẩn đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng, kết hợp với hoạt động xuất khẩu ảm đạm so với tháng trước. Đây có thể là nhân tố hạn chế tác động “bearish” của yếu tố trên.
Giá đồng gặp áp lực do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan
Đồng đã gặp áp lực giảm giá trong phiên giao dịch ngày 21/04 do triển vọng tiêu thụ tiêu cực, khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và là nước nhập khẩu đồng lớn thứ 2, đang đối mặt với tình hình lạm phát nghiêm trọng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, đã tăng 3.8% trong tháng 3, đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.
Tình hình lạm phát nóng lên thúc đẩy kỳ vọng thị trường vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát. Từ đó làm triển vọng nhu cầu tiêu thụ tiêu cực hơn ở quốc gia này và gây sức ép lên giá đồng.
Áp lực giảm giá của kim loại đồng còn đến từ việc đồng USD mạnh lên trên thị trường.
Kỳ vọng ngày càng lớn vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 đã hỗ trợ cho đồng USD, chỉ số Dollar Index sáng nay tăng lên mức 101.99 điểm đã phần nào gây áp lực lên giá đồng. Hiện có khoảng hơn 80% các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5, theo CME FedWatch Tool.
Đồng thời, lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ cũng đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Vào tối nay, các số liệu cung cấp thêm manh mối về tình hình kinh tế Mỹ sẽ được công bố, bao gồm chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất. PMI sản xuất của châu Âu cũng sẽ được công bố. Những dữ liệu này sẽ tạo sức ép tới giá đồng nếu như nó tiêu cực hơn dự báo.
Thiếu vắng các tin tức hỗ trợ, giá dầu có thể giảm và lấp “khoảng trống tăng giá”
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay trong bối cảnh ảm đạm chung cùng với các thị trường tài chính. Trong phiên sáng, các nhà đầu tư thường tìm kiếm tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một thế giới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) báo hiệu rằng họ có thể bắt đầu giảm dần một số biện pháp kích thích được thực hiện trong thời kỳ đại dịch, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng lên. Từ năm 2020 đến nay, PBOC đã liên tục sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ các ngân hàng, điều này làm cho tổng tài sản của PBOC lên tới gần 3,000 tỷ Nhân dân Tệ.
Trong bối cảnh mà nền kinh tế phương Tây đều đang tăng trưởng chậm lại, thì việc Trung Quốc không duy trì các chính sách kích thích kinh tế và tăng thanh khoản cho thị trường tài chính sẽ là một yếu tố tiêu cực với giá dầu.
Đà giảm của giá dầu trong các phiên gần đây cũng cho thấy kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ không thể tạo một cú hích mang tính bền vững đối với giá dầu. Những lo ngại về suy thoái sau các số liệu kinh tế kém sắc của châu Âu và Mỹ đang lấn át rủi ro từ phía nguồn cung. Bên cạnh đó, những báo cáo quan trọng của thị trường trong tháng này đều đã được công bố, và nếu không phải những sự cố nguồn cung bất ngờ, giá dầu hiện có rất ít động lực tăng trở lại.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)