menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tài chính – hàng hóa thế giới phiên 10/4/2025

13:04 11/04/2025

Thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tiếp tục biến động mạnh do những thông báo về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay sau thông báo nâng thuế đối ứng hàng loạt, ông đột ngột thông báo tạm dừng hoãn các mức thuế đó trong 90 ngày, nhưng vẫn duy trì mức thuế chung 10% đối với hầu hết các quốc gia, song nâng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 125% lên tổng cộng 145%. Đáp lại, Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ lên 84%.
 
• Chứng khoán châu Á tăng 4%
• Cổ phiếu tại Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan phục hồi
• Chứng khoán Phố Wall giảm điểm
• CPI tháng 3 của Mỹ ở mức 2,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức ước tính 2,6%)
Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á tăng mạnh nhất trong hơn hai năm vào thứ Năm do việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng một số mức thuế khắc nghiệt nhất của ông đã kích hoạt một đợt mua những cổ phiếu giảm giá.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu các nền kinh tế Châu Á mới nổi kết thúc phiên tăng mạnh 4%, phiên tăng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11 năm 2022. Một nhóm cổ phiếu tại các quốc gia ASEAN tăng 5%, ghi nhận ngày tốt nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Sự thay đổi đột ngột của ông Trump diễn ra sau khi thuế quan của ông tăng mạnh gây sụt giảm trên toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu khiến cổ phiếu giảm với tốc độ chóng mặt, gây ra đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và xóa sổ hàng nghìn tỷ giá trị trên thị trường tài chính.
Chỉ số FTSE Straits Times của Singapore tăng 9% trong phiên thứ Năm sau khi giảm 15% so với mức cao kỷ lục trong vòng chưa đầy hai tuần. Các chỉ số chuẩn tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng tăng khoảng 5%. Cổ phiếu Đài Loan (Trung Quốc) tăng hơn 9%, trong khi chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 6,6%.Tại Philippines, cổ phiếu .PSI đóng cửa tăng 1,2% vài phút trước khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chủ chốt một phần tư điểm, đúng như dự đoán rộng rãi. Đồng peso Philippines vẫn neo ở mức khoảng 57,3 PHP đổi một USD.

"Việc tạm dừng áp dụng thuế quan qua lại trong 90 ngày dường như làm giảm nguy cơ GDP của các nền kinh tế Châu Á giảm sút mạnh mẽ ở thời điểm biến động nhiều nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu hiện nay", Barclays cho biết. "Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, điều đó không có nghĩa là khu vực này đã thoát khỏi tình hình khó khăn", vì Tổng thống Donald Trump vẫn tăng thuế với Trung Quốc thêm 125% và Bắc Kinh áp thuế 84% đối với hàng hóa Mỹ.

Tại Mỹ, cổ phiếu Phố Wall giảm mạnh vào thứ Năm do lo ngại gia tăng về tác động kinh tế của cuộc chiến thuế quan đa mặt trận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nền kinh tế nước này.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm mạnh, mất đi phần lớn mức tăng của phiên trước đó khi lo ngại gia tăng về cuộc xung đột thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh làm giảm sự lạc quan về dữ liệu kinh tế tích cực và các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Châu Âu.
Theo dữ liệu sơ bộ, S&P 500 phiên thứ Năm giảm 189,79 điểm, tương đương 3,45%, đóng cửa ở mức 5.267,11 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 737,66 điểm, tương đương 4,31%, đóng cửa ở mức 16.387,31. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.029,51 điểm, tương đương 2,54%, đóng cửa ở mức 39.578,94. Big Tech (cổ phiếu công nghệ) một lần nữa chịu áp lực, với mỗi nhóm Magnificent giảm mạnh.

Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố lệnh hoãn thuế quan trong 90 ngày vào thứ Tư, S&P 500 tăng mạnh 9,5%, mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Nasdaq thiên về công nghệ tăng 12,2%, ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn thứ hai trong lịch sử.

Sau cú bật tăng đột biến của ngày thứ Tư và đợt bán tháo vào thứ Năm, S&P 500 vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trước khi thuế quan đối ứng được công bố vào tuần trước.
"Các nhà đầu tư vẫn cảm thấy không thoải mái với điều này, vì họ không biết mục tiêu cuối cùng là gì", Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao tại Murphy & Sylvest ở Elmhurst, Illinois cho biết. "Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang thấy, vẫn là mối quan tâm của các nhà đầu tư về thuế quan và đó là điều gần như là trọng tâm của mọi thứ".
Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Lao động cho thấy giá mà người tiêu dùng phải trả cho một giỏ hàng hóa bất ngờ giảm nhẹ vào tháng 3, với lạm phát cốt lõi giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn cách mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang một điểm phần trăm.
Nhưng con đường phía trước của Fed, xét theo các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, vẫn chưa rõ ràng.

Thống đốc Fed Michelle Bowman hôm thứ Năm cho biết trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, thì tác động của các chính sách thương mại của Trump vẫn chưa rõ ràng, trong khi Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể được tiếp tục sau khi những bất ổn xung quanh chính sách thương mại được giải quyết.

Để đáp lại lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày của Trump, Liên minh châu Âu sẽ hoãn các khoản thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ khi các quốc gia trong khối muốn được các thỏa thuận thương mại với Washington, theo lời của chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Nhưng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vẫn tiếp diễn, với việc Trung Quốc tuyên bố sẽ "theo đuổi đến cùng" nếu Mỹ không nới lỏng. • Hầu hết các loại tiền tệ đều tăng giá, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm

• Đồng euro tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2022

• USD so với franc Thụy Sĩ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2015
• Dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt vào tháng 3
• Trump tạm dừng thuế quan đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày
• Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang
• Ngân hàng trung ương Philippines cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản
Đồng USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác, chạm mức thấp nhất trong 10 năm so với đồng franc Thụy Sĩ – đồng tiền được xếp vào danh sách an toàn, sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột thông báo thay đổi thời hạn áp thuế.
So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng USD giảm 3,89% xuống 0,825. So với đồng yên Nhật, đồng USD giảm 2,07% xuống 144,66.
Đồng euro tăng gần 2,47% lên 1,1221 USD/EUR sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2023, phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2022. Đồng bảng Anh tăng 1,13% lên 1,29720 USD.
Các loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro cũng tăng mạnh hơn. Đồng AUD tăng 1,24% lên 0,62280 USD, trong khi đồng SEK của Thụy Điển tăng 1,5% so với đồng USD lên 9,839 crown.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài giảm 0,49% xuống 7,307 nhân dân tệ so với USD.

Vàng cao kỷ lục do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng và đồng USD suy yếu

• Các nhà giao dịch tăng cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất sau dữ liệu CPI
Giá vàng tăng gần 3% lên mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Năm, khi đồng USD giảm và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng đã thúc đẩy các nhà đầu tư hướng đến sự hấp dẫn của kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay cuối phiên tăng 2,6% lên 3.160,82 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 3.171,49 USD vào đầu phiên; vàng kỳ hạn tháng 6/2025 tăng 3,2% và đóng cửa ở mức 3.177,5 USD.
Giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 30,88 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% xuống 932,41 USD và giá palladium giảm 1,4% xuống 918,45 USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông sẽ tạm thời hạ thuế nặng đối với hàng chục quốc gia, nhưng tăng thuế đối với Trung Quốc từ 104% lên 125%.

Trong khi đó, chỉ số USD đã giảm hơn 1% so với các đồng tiền đối tác chủ chốt, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm vào tháng 3, nhưng rủi ro lạm phát đang có xu hướng tăng sau khi Tổng thống Donald Trump tăng gấp đôi thuế quan đối với Trung Quốc.
Sau khi dữ liệu giá tiêu dùng được công bố, các nhà giao dịch đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất chính sách của mình xuống một điểm phần trăm vào cuối năm.
"Chúng tôi thấy các ngân hàng trung ương mua (vàng), vì vậy miễn là dòng tiền vẫn chảy vào các ETF và chính sách tiền tệ còn nhiều rủi ro thì sẽ có rất nhiều động lực chính sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng", Alex Ebkarian, giám đốc điều hành tại Allegiance Gold cho biết.

Dầu giảm hơn 3% khi các nhà đầu tư đánh giá lại động thái đảo ngược thuế quan của Tổng thống Mỹ

• Nhà Trắng cho biết thuế nhập khẩu của Trung Quốc hiện tổng cộng là 145%

• Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cảnh báo nhu cầu dầu thô tăng trưởng chậm hơn do thuế quan

Giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng vào thứ Năm, xóa sạch đà tăng của phiên trước, khi các nhà đầu tư đánh giá lại kế hoạch tạm dừng áp thuế quan toàn diện của Mỹ và chuyển sự tập trung chú ý sang cuộc chiến thương mại đang ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh.

Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ kỳ hạn tương lai giảm 2,28 USD, tương đương 3,7%, xuống còn 60,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai giảm 2,15 USD, tương đương 3,3%, xuống còn 63,33 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều đã tăng hơn 2 USD/thùng vào thứ Tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng mức thuế quan mà ông đã công bố đối với hàng chục đối tác thương mại của Mỹ một tuần trước, đánh dấu sự thay đổi đột ngột chưa đầy 24 giờ sau khi các mức thuế có hiệu lực.

Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hiện lên tới tổng cộng 145%. Trung Quốc đã công bố một khoản thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ, áp dụng mức thuế 84%. Công ty tư vấn giao dịch Ritterbusch and Associates cho biết thuế của Mỹ đối với Trung Quốc tăng cao có khả năng thúc đẩy Bắc Kinh giảm lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 112.000 thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng 3, gần một nửa so với 190.000 bpd của năm ngoái, dữ liệu từ công ty theo dõi tàu Kpler cho thấy.

• Giá kim loại cơ bản hồi phục

Giá kim loại cơ bản phục hồi mạnh vào thứ Năm cùng với các tài sản rủi ro khác sau khi hầu hết các mức thuế của Mỹ được tạm dừng trong 90 ngày.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cảnh giác về đợt tăng giá này, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng gấp đôi mức thuế với nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, là Trung Quốc.

Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 3,8% lên 8.939 USD/tấn. Trước đó, hôm thứ Hai, giá đồng đã giảm xuống mức thấp 8.105 USD/tấn, từ mức đỉnh 10.164,50 USD đạt được vào ngày 26/3 - cao nhất trong hơn chín tháng.

Hợp đồng đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 3,9% lên 75.300 nhân dân tệ (10.254,66 USD)/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất trong tám tháng vào thứ Tư.

Các kim loại cơ bản khác cũng tăng do USD yếu đi. Đồng USD yếu hơn khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Dữ liệu vào thứ Năm cung cấp thêm bằng chứng về nền kinh tế Trung Quốc không ổn định, vì giá tiêu dùng giảm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3 trong khi tình trạng giảm phát tại nhà máy trở nên trầm trọng hơn.

Giá nhôm trên sàn LME tăng 1,9% lên 2.359 USD/tấn, niken tăng 4,6% lên 14.725 USD, kẽm tăng 2,9% lên 2.631 USD, chì tăng 2,5% lên 1.888 USD và thiếc tăng 1,8% lên 30.365 USD.

Giá nhôm oxit trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đã giảm gần một nửa kể từ mức kỷ lục ngày 4/12 do công suất mở rộng đối với thành phần sản xuất nhôm chính và khi tình trạng khan hiếm nguồn cung bô-xít giảm bớt.

Theo nhà cung cấp thông tin Mysteel, công suất nhôm oxit của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 20% trong năm nay, tương đương 19,8 triệu tấn.

Dữ liệu hải quan cho thấy lượng nhập khẩu bauxite vào Trung Quốc đã tăng 26% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Zijin Tianfeng Futures cho biết, kế hoạch mở rộng sản lượng bauxite trong năm nay tại Guinea và Australia lên tổng cộng 40 triệu tấn sẽ bù đắp hơn 14 triệu tấn bị mất do Guinea Alumina Corp đình chỉ xuất khẩu bauxite vào năm ngoái.

Giá quặng sắt phục hồi vào thứ Năm, khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ căng thẳng đã làm dấy lên hy vọng về các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh để chống lại tác động của mức thuế quan cao.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc DCIOcv1 đóng cửa phiên giao dịch tăng 3,06% lên 707 nhân dân tệ (96,30 USD) một tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu tháng vào thứ Tư.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 S trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,76% lên 96,45 USD/tấn; trong phiên có lúc giá đạt 99,5 USD.

"Viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại kéo dài cũng làm dấy lên kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ công bố các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn", các nhà phân tích của ING cho biết.

Giá đậu tương và ngô tiếp tục tăng sau số liệu của USDA và thuế quan của Mỹ được hoãn tăng

Giá đường, cà phê, cao su tăng

Giá đậu tương kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago đã tăng vào thứ Năm khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố số liệu cung và cầu hàng tháng, và việc Mỹ và Liên minh Châu Âu hoãn một số mức thuế đã làm giảm bớt lo ngại về xuất khẩu cây trồng của Mỹ.

Ngô cũng tăng giá trong khi lúa mì giảm sau khi USDA công bố dữ liệu.

Hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 16-1/4 cent lên 10,29 USD/bushel. Ngô CBOT tăng 9 cent lên 4,83 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 2 vào đầu phiên giao dịch. Lúa mì CBOT Wv1 giảm 4-1/4 cent xuống 5,38 USD/bushel.

USDA đã hạ dự báo về lượng ngô dự trữ năm 2024-25 xuống còn 1,47 tỷ bushel từ mức 1,54 tỷ của tháng 3. USDA ước tính lượng đậu tương dự trữ trong nước là 375 triệu bushel, so với ước tính của tháng 3 là 380 triệu bushel.

Giá đường thô tăng 0,21 US cent, tương đương 1,2%, lên 18,12 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng vào thứ Tư. Đường trắng tăng 2,1% lên 523,90 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng ởphiên trước.

Các đại lý lưu ý rằng thời tiết vẫn chủ yếu khô ráo ở quốc gia sản xuất hàng đầu Brazil, nơi các nhà máy đang tăng tốc khởi động thu hoạch.

Bộ Nông nghiệp Mỹ vào thứ năm cho biết nguồn cung đường tại thị trường nội địa Mỹ đã tăng vào tháng 4 do lượng nhập khẩu tăng cao.

Giá cà phê tăng do Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng nhiều mức thuế quan của mình, khiến Liên minh châu Âu cũng tạm dừng các biện pháp đối phó đã lên kế hoạch, đã giúp đẩy giá cà phê tăng lên.

Giá cà phê Robusta tăng 99 USD, tương đương 2,1%, lên 4.896 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong bốn tháng vào thứ Tư, trong khi giá cà phê Arabica tăng 0,3% lên 3,4285 USD/lb sau khi chạm mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi trong phiên trước.

"Trong ngắn hạn, giá dự kiến sẽ vẫn biến động do lượng cà phê tồn kho ở Brazil thấp, doanh số bán của Việt Nam chậm và sự không chắc chắn liên quan đến thuế quan của Mỹ và tình hình ở Biển Đỏ", Rabobank cho biết.

Giá ca cao giảm vào thứ Năm sau khi công ty chocolate và ca cao khổng lồ Barry Callebaut công bố kết quả kinh doanh yếu hơn dự kiến. Nhà sản xuất chocolate và chế biến ca cao Thụy Sĩ đã hạ dự báo về khối lượng bán hàng hàng năm, với lý do "biến động chưa từng có" về giá hạt ca cao, khiến cổ phiếu của công ty giảm hơn 20%, mức giảm lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay.

Giá ca cao trên sàn London giảm 102 bảng, tương đương 1,7%, ở mức 5.994 GBP/tấn, trong khi giá ca cao tại New York giảm 2,9% xuống còn 8.074 USD/tấn.

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng mạnh sau khi giảm ở phiên liền trước, do quyết định đột ngột của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng áp thuế trong 90 ngày mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà đầu tư.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 14,7 yên, hay 5,2%, lên 298,1 yên (2,04 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải tăng 470 nhân dân tệ lên 14.975 nhân dân tệ (2.041 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Singapore tăng 4,7% lên 165,3 US cent/kg.

Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho biết xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn dự báo khi việc tăng thuế quan của Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của các thị trường nước ngoài quan trọng, có khả năng hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguồn:VITIC tổng hợp