menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 09/12/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:44 09/12/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 09/12/2021.
 
Báo cáo Export Sales tối nay có thể tạo sức ép khiến lúa mì khó lấy lại mốc 800
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch ngày 09/12 tiếp tục suy yếu theo đà giảm mạnh của phiên trước đó sau khi mất đi mốc hỗ trợ tâm lí 800. Trong khi lực mua vẫn đang chiếm ưu thế đối với 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại là ngô và đậu tương thì lúa mì lại duy trì xu hướng giảm trong giai đoạn gần đây.
Mặc dù Nga vẫn áp dụng chính sách tăng thuế để siết chặt xuất khẩu nhưng mối lo ngại về nguồn cung đã phần nào được giải toả khi thời tiết ổn định hơn ở các vùng gieo trồng chính và các quốc gia nhập khẩu đang tích cực tìm nguồn cung thay thế cạnh tranh hơn từ Ukraine và Nam Mỹ.
Vào 20:30 tối nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Export Sales về các số liệu bán hàng và xuất khẩu lúa mì trong tuần trước. Hãng tin Reuters đã tổng hợp lại dự đoán của thị trường về báo cáo này, trong đó bán hàng lúa mì được kì vọng sẽ hồi phục so với mức 80,000 tấn trong tuần trước nhưng vẫn thấp hơn so với 616,500 tấn trong cùng kì năm ngoái.
Đây có thể là yếu tố khiến giá lúa mì khó lấy lại được mốc 800 trong phiên tối nay. Tuy nhiên, nếu có đơn hàng lớn từ Ai Cập thì có thể giúp giá lúa mì duy trì trên hỗ trợ 790.

 Khánh Linh / Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Giá cà phê vẫn đang ở mức cao và mang lại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư muốn mở vị thế mua
Sắc xanh quay trở lại với thị trường cà phê khi giá Arabica tăng 0.4% lên 244.2 cents/pound, giá Robusta tăng 0.9% lên 2409 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu tiếp tục trầm trọng hơn khi mà bệnh nấm Roya tiếp tục lan rộng ở các quốc gia trồng cà phê ở khu vực Trung Mỹ. Nấm bệnh đã quay trở lại vì độ ẩm khắc nghiệt do các cơn bão Eta và Iota đổ bộ vào các khu vực này trong cuối năm 2020, phá hủy mùa màng và khiến hàng trăm nghìn người phải di tản. Khu vực Trung Mỹ hiện chiếm khoảng 15% sản lượng Arabica trên toàn cầu, và sản lượng của khu vực này trong niên vụ 2021/22 có thể sẽ giảm 3% do dịch bệnh.
Việc nguồn cung cà phê trên thị trường liên tục đối mặt với những nguy cơ thắt chặt, khiến cho mức dự trữ trên Sở ICE US trở thành nguồn cà phê sẵn có nhất hiện nay. Trong phiên hôm qua, mức tồn kho Arabica đạt chuẩn không giảm mạnh nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng là 1.608 triệu bao.

Tiên Phạm / Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Thị trường đồng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng bất chấp việc các chỉ số lạm phát cao
Giá đồng tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên 4.39 USD, mức cao nhất trong vòng một tuần. Dường như những tin tức tích cực đối với thị trường như số liệu nhập khẩu của Trung Quốc, hay số liệu xuất khẩu tích cực của Chile mới được phản ánh lên giá trong ngày hôm qua.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê của Trung Quốc công bố Chỉ số giá sản xuất (PPI) đối với hàng hóa sản xuất đã tăng 12.9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng không thay đổi so với tháng trước.
Trong chỉ số PPI, chỉ số giá bên mua đối với nhiên liệu và điện tăng 43.8%, vật liệu kim loại màu và dây điện tăng 24.7% còn vật liệu kim loại đen lần lượt tăng 19.4% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của đà tăng chóng mặt của giá năng lượng và kim loại cơ bản.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc tăng 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn mức 1.5% của tháng trước. Điều này phản ánh, các nhà sản xuất đã chuyển bớt áp lực lạm phát sang phía người tiêu dùng.

Tiên Phạm / Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trong phiên tối khi lực mua suy yếu
Ngày hôm qua, giá dầu đánh dấu chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp với giá WTI tăng 0.43% lên 72.36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.5% lên 75.82 USD/thùng.
Bất chấp các nghi ngờ về khả năng sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga trong mùa đông năm nay khi thời tiết xấu cản trở quá trình khai thác lẫn hoạt động xuất khẩu, OPEC+ vẫn còn các thành viên có khả năng gia tăng sản lượng tương đối chắc chắn: Theo dữ liệu của S&P Globals, trong tháng 12 sản lượng của nhóm sẽ tăng thêm 500,000 thùng/ngày, chủ yếu do mức tăng của Saudi Arabia, Nga, Iraq, Kazakhstan và Nigeria.
Như vậy, đây sẽ là tháng thứ 2 liên tiếp sản lượng dầu của nhóm này tăng vượt lên mức thoả thuận 400,000 thùng/ngày, bất chấp các nguy cơ dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. Thực tế trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn vừa rồi, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng nâng dự bảo sản lượng của nhóm trong quý I và quý II năm sau. Đây sẽ là một yếu tố cản trở mức tăng của giá dầu trong giai đoạn này.
Bên cạnh yếu tố cung-cầu thị trường dầu, việc các quỹ dần cắt bớt vị thế trên thị trường đang tạo ra cơ hội cho tính đầu cơ gia tăng trên thị trường.

Hồng Hoa / Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp 

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc