menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 17/2/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:27 17/02/2023

Giá đậu tương có khả năng sẽ hướng lên vùng 1541 trong phiên hôm nay do các số liệu tiêu cực về mùa vụ ở Nam Mỹ
 
Giá đậu tương mở cửa phiên giao dịch cuối tuần trong sắc xanh, sau khi lực bán có dấu hiệu thu hẹp dần trong phiên hôm qua. Kể từ sau khi test lại vùng kháng cự là mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6 năm ngoái, giá đậu tương đã bước vào 1 nhịp điều chỉnh kĩ thuật mạnh trong vài phiên đầu tuần. Tuy nhiên, với các yếu tố cơ bản vẫn mang tính hỗ trợ, giá đậu tương sẽ khó tiếp tục giảm sâu và xu hướng chính có thể thiên về giằng co trong vài phiên tới.
Trong báo cáo tuần này, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) đã không đưa ra dự báo mới nhất về sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Argentina. Tuy vậy, cơ quan này cảnh báo rằng sẽ phải cắt giảm số liệu trên trong thời gian tới do tác động kết hợp của một đợt nắng nóng gần đây với ảnh hưởng kéo dài của hạn hán. Hiện triển vọng sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Argentina do BAGE đưa ra là 38 triệu tấn, giảm so với mức 48 triệu tấn dự báo ban đầu. Theo báo cáo của BAGE, nhiệt độ trung bình trong bảy ngày qua đã liên tục tăng, làm trầm trọng hơn tình trạng khô hạn ở giai đoạn phát triển quan trọng của cây đậu tương. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng nông nghiệp trọng điểm của Argentina cũng như một số khu vực khác của các tỉnh Santa Fe và Entre Rios.
Còn tại Brazil, tình hình cũng đang dần kém khả quan. Báo cáo của Emater cho biết, khí hậu khô và nhiệt độ cao tiếp tục gây hại cho vụ đậu tương ở Rio Grande do Sul. Hiện tại, 45% diện tích đậu tương của bang đang trong giai đoạn ra hoa và 32% đang trong giai đoạn tạo vỏ, điều đó có nghĩa là thời tiết trong tháng này sẽ là yếu tố quyết định năng suất của cây trồng. Công ty tư vấn AgRural mới đây đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Rio Grande do Sul xuống còn 16.1 triệu tấn, giảm 4.3 triệu tấn so với ước tính tháng trước. Mặc dù thiệt hại ở Argentina không còn đủ mạnh để thúc đẩy giá bật tăng nhưng những thông tin về triển vọng mùa vụ ở Brazil sẽ là yếu tố “bullish” tới giá.

Triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Colombia có thể khiến giá Arabica đảo chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/02, hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc khi tồn kho tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng và Dollar Index suy yếu. Đóng cửa, giá Arabica tăng 1.84% lên mức 180.25 cents/pound, Robusta tăng nhẹ hơn với 1.12%, giao dịch ở mức 2072 USD/tấn.
Thời tiết chuyển hướng ôn hòa hơn tại vùng trồng cà phê chính của Colombia sau 2 năm liền sản lượng sụt giảm do mưa lớn kéo dài. Chuyên gia cà phê Colombia Manuel Rueda đã kỳ vọng sản lượng sẽ hồi phục lại mức 14 triệu bao khi thời tiết đã bớt khắc nghiệt. Việc sản lượng được dự kiến nới lỏng có thể giải quyết phần nào vấn đề hạn chế xuất khẩu từ phía nông dân Colombia và gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, khi triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Colombia cũng được kỳ vọng sẽ góp phần gián đoạn đà giảm của tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York hiện nay do đây là quốc gia cung ứng hàng đầu. Điều này cũng sẽ góp phần khiến giá có thể suy yếu.

Rủi ro nguồn cung sẽ hỗ trợ cho giá đồng, nhưng sức ép vĩ mô có thể hạn chế đà tăng của giá
Sau khi tăng mạnh mẽ hơn 3% trong phiên hôm qua, giá đồng quay đầu suy yếu trong phiên sáng nay ngày 17/02 do lực bán chốt lời và sự phục hồi của đồng USD.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ đồng chưa thực sự có sự bứt phá mạnh tại Trung Quốc, tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ đồng đang có tín hiệu khởi sắc tại quốc gia tiêu dùng đồng hàng đầu này, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đồng phục vụ cho lĩnh vực bất động sản. Hiện thị trường đều đang kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ vào tháng 3 tới.
Về yếu tố nguồn cung, hoạt động khai thác đồng đang đối mặt với nhiều thách thức tại các mỏ đồng hàng đầu, đồng thời, tồn kho trên sở COMEX và LME tiếp tục sụt giảm, đây sẽ là yếu tỗ hỗ trợ cho giá trong phiên hôm nay. Reuters mới đưa tin, hoạt động khai thác đồng tại mỏ Las Bambas và Antapaccay tiếp tục chuyển biến xấu do tình trạng biểu tình và phong tỏa. Dữ liệu sử dụng điện hàng ngày từ COES, đại diện cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng của Peru, chỉ ra 2 mỏ này chỉ sử dụng lượng điện bằng một nửa so với bình thường, cả hai đều bị phong tỏa trên đường cao tốc hành lang khai thác quan trọng. Đồng thời, công ty khai thác First Quantum mới đây đã cảnh cáo rằng họ có thể đóng cửa mỏ Cobre Panama nếu Chính phủ nước này không cho phép hoạt động xuất khẩu đồng của họ được tiếp tục vào tuần tới.
Tuy nhiên, sức ép từ yếu tố vĩ mô có thể cản trở đà tăng của giá. Các dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây đã vẽ ra một bức tranh lạm phát dai dẳng, trong khi thị trường lao động vẫn tích cực và nền kinh tế vẫn khá mạnh. Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần mạnh tay thắt chặt tiền tệ hơn để kiểm soát lạm phát. Thêm vào đó, một số quan chức Fed cùng đưa ra quan điểm ủng hộ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 3. Trước lo ngại này, đồng USD có thể tiếp tục tăng và gây áp lực tới giá đồng trong phiên.

Giá dầu có thể tiếp tục lao dốc khi các yếu tố cơ bản bị lu mờ trước đà tăng của đồng USD
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay do sức ép từ sự gia tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tiếp tục hướng về mốc 105 điểm, trong bối cảnh xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đang cao hơn.
Lăng kính kỹ thuật cũng cho thấy chỉ số Dollar Index đã vượt lên khỏi kênh giá đi xuống, và dần hướng về mức đỉnh cũ 105.7 điểm.
Trong tối hôm nay, đây sẽ là tin tức tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường, nhất là khi một trong những thành viên của Fed, Michelle Bowman sẽ có bài phát biểu. Trước đó, bà đã từng nhấn mạnh vào việc Fed cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nên nếu trong phiên tối nay, một phát biểu mang tính thắt chặt hơn được đưa ra, giá dầu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trước sự gia tăng của đồng USD.
Về phía các yếu tố về cung cầu, nguồn cung không còn là một vấn đề đáng lo ngại của thị trường nếu so sánh với giai đoạn trước đây, đặc biệt là cùng kỳ năm trước. Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi sản lượng dầu của Nga bị sụt giảm vì các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ sẽ có khả năng bù đắp khoảng trống này. Trong năm 2022, các chuyến hàng dầu của Mỹ đến châu Âu đã tăng 70%, và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đang tăng lên, đạt mức cao nhất trong 5 tháng vào tháng 1 là 187,000 thùng/ngày.
Trong thời gian tới, OPEC+ sẽ không thay đổi các chính sách sản lượng, nên tác động của các tin tức từ Mỹ, kể cả về cung cầu lẫn các yếu tố vĩ mô, lên thị trường dầu sẽ tăng lên. Vì thế, trong bối cảnh các báo cáo gần đây cho thấy nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và có xu hướng tăng, với sản lượng dầu thô đạt 12.3 triệu thùng, thì giá dầu sẽ khó có được sự hỗ trợ đáng kể.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc