menu search
Đóng menu
Đóng

Năm món đặc sản vinh danh ẩm thực Hải Dương

10:00 11/06/2017

Hải Dương không chỉ níu chân du khách bốn phương bởi non nước hữu tình, con người hiền hòa, chất phác mà còn bởi những món ăn giản dị mà ngon miệng và đậm chất quê nhà.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Những chiếc bánh đậu xanh ngọt lịm, thơm phức là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Hải Dương, thường được dùng làm quà biếu tặng khi đi xa về hay vào các dịp lễ, Tết. Bánh được làm từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Bánh đậu xanh có vị thơm, bùi của đậu, chút ngầy ngậy mà không ngán của mỡ lợn, chút ngọt của đường kết tinh và mùi tinh dầu man mát của hoa bưởi.
 Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể chọn lựa bánh có độ ngọt khác nhau. Có loại bánh cho thêm bột đậu đỏ, hạt sen hay lạc nhân vào bánh. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Để giảm bớt độ ngọt, món ăn này thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh.
 Hiện nay, TP Hải Dương có khoảng 40 cơ sở làm bánh đậu xanh, cho sản lượng khoảng 13.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu.
 Rươi Tứ Kỳ
Rươi có ở nhiều vùng miền, nhưng chỉ có rươi tươi Tứ Kỳ – Hải Dương mới trở nên nổi tiếng và được nhiều người yêu thích, bởi vì con rươi nơi đây to hơn, béo hơn, nhiều bột hơn rất nhiều. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Món chả rươi gọi là thành công khi phía ngoài có màu vàng ruộm mà phía bên trong ruột chả vẫn mềm, ngọt đậm, đặc biệt là miếng chả tỏa ra hương thơm ngào ngạt, quyến rũ, đứng cách xa từ tận phía ngoài sân cũng có thể cảm nhận được mùi thơm mê hoặc. Để miếng chả ra đĩa, rắc chút hạt tiêu lên trên và ăn khi còn nóng.
Những ngày miền Bắc trở lạnh, có một đĩa chả rươi bên cạnh mâm cơm gia đình thì quả là không còn gì tuyệt vời hơn thế. Ngoài chả rươi còn có món nem rươi, lẩu rươi, rươi rang muối… cũng được ưa thích.
Bánh gai Ninh Giang
Cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km, nằm bên dòng sông Luộc êm đềm thơ mộng, thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với sản phẩm bánh gai truyền thống khá nổi tiếng. Từ chiếc lá gai dân dã, người dân chế biến tỉ mỉ cùng đậu xanh, thịt mỡ, cùi dừa, tạo nên món bánh gai dẻo ngọt bọc trong lá chuối khô.
Ngày nay bánh gai được sản xuất bằng công nghệ hiện đại rất nhiều, nhưng cách làm thì vẫn phải thực hiện như xưa và một số công đoạn vẫn phải làm thủ công. Khi ăn bánh với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh.
Vải thiều Thanh Hà
Vào độ tháng 5, làng quê Thanh Hà, huyện Nam Thanh, Hải Dương sẽ luôn tấp nập, đông đúc như có hội bởi đây là quãng thời gian vải thiều chín rộ, nhuộm một màu đỏ sậm. Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải, là đặc sản không thể không kể đến của Hải Dương.
Vải thiều Thanh Hà là giống có kích thước quả bé nhất trong tất cả các giống vải hiện nay, dạng quả hơi tròn và nhỏ, vỏ sần, khi chín có màu đỏ, hột vải rất nhỏ, cùi trắng dày, nhiều nước, ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt.
Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Về Hải Dương, không ai không biết đến bánh đa gấc Kẻ Sặt. Cả tỉnh có nhiều nơi làm bánh đa nhưng chỉ có Kẻ Sặt mới có thể làm ra những chiếc bánh đa gấc trứ danh, trở thành đặc sản độc đáo giống như món bánh đậu xanh của vùng đất này.
Nguyên liệu làm bánh rất giản dị, bao gồm gạo, đường, vừng, lạc, dừa thái mỏng và hương vị gừng tươi. Bánh đa gia truyền có màu vàng óng nhưng hiện nay người ta còn cho thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn, vì vậy mới có tên là bánh đa gấc Kẻ Sặt.
Khi ăn, bánh có vị bùi của gạo, xen lẫn vị thơm của lạc, vừng dừa, cùng với vị ấm của gừng tươi sẽ khiến người ăn thấy tê tê đầu lưỡi. Chính hương vị đặc biệt ấy đã làm nên cái riêng của bánh đa gấc Kẻ Sặt, điều mà cả du khách và những người con Hải Dương xa quê không thể nào quên được.
 Nguồn: Wanderlust Tip