Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) đã công bố kết quả thi trung học phổ thông quốc gia (THPT QG) 2019 theo đúng thời hạn dự kiến, đồng thời cũng công bố phổ điểm của từng môn thi và phổ điểm của tổ hợp các môn thi có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển nhất.
Kết quả thi không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia đã phân tích ngay sau khi kết thúc kỳ thi: điểm trung bình các môn thi tăng lên, số bài thi điểm 10 không nhiều và số điểm liệt giảm.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT có giảm không?
Ngoại trừ môn Văn (môn thi tự luận duy nhất) có số bài thi bị điểm liệt tăng lên, tất cả các môn thi còn lại đều có số bài thi bị điểm liệt giảm rất mạnh so với năm 2018. Tất nhiên hình thức thi trắc nghiệm làm giảm số bài thi bị điểm liệt, nhưng chính mức độ dễ ở phần cơ bản của mỗi môn thi năm 2019 đã giúp thí sinh thoát điểm liệt rất nhiều. (Năm 2016 khi môn toán còn thi theo hình thức tự luận đã có 14 ngàn bài thi môn toán bị điểm liệt trong tổng số 19 ngàn bài thi bị điểm liệt). Như vậy chỉ có tối đa khoảng 3 ngàn học sinh rớt tốt nghiệp THPT 2019 do bị điểm liệt, quả là con số rất nhỏ so với số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp hơn 800 ngàn.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 90%, điểm chuẩn đại học sẽ tăng nhẹ
Như vậy yếu tố tác động mạnh nhất đến điểm xét tốt nghiệp THPT 2019 sẽ là điểm trung bình các bài thi (các môn thi) của thí sinh có cao hay không.
Phổ điểm 2019 cho thấy điểm trung bình của tất cả các môn thi đều tăng so với năm 2018. Nếu như năm 2018 có đến 6/9 môn thi có điểm trung bình “dưới trung bình” (dưới 5,00) thì năm 2019 chỉ còn 3 môn thi có điểm trung bình dưới trung bình. Hơn nữa, số thí sinh có điểm dưới trung bình của mỗi môn thi cũng giảm đáng kể.
Tuy đến 18/7/2019 các Sở GDĐT sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp, nhưng với kết quả điểm thi đã được công bố, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước có khả năng vẫn ở mức trên 90% dù công thức tính điểm xét tốt nghiệp đã nâng trọng số của điểm thi THPT QG lên đến 70%.
Xét tuyển đại học có dễ hơn không?
Thí sinh thi theo bài thi, nhưng các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo tổ hợp các môn thi. Có đến xấp xỉ 90% thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo 5 tổ hợp môn thi truyền thống: khối A (Toán, Lý, Hóa), khối A1 (Toán, Lý Ngoại ngữ), khối B (Toán, Sinh, Hóa), khối C (Văn, Sử, Địa) và khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ).
Điểm trung bình các môn thi của thí sinh tăng dẫn đến điểm trung bình của các tổ hợp môn xét tuyển của thí sinh cũng tăng, trong đó các tổ hợp môn có môn Toán và các môn khoa học tự nhiên tăng mạnh hơn (từ 1,5 đến 2 điểm).
Theo quy định của Bộ GDĐT, các trường phải công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức điểm thi THPT QG trước ngày 22/7/2019. Dù điểm trung bình của các tổ hợp môn xét tuyển có tăng so với 2018. nhưng dự báo là nhiều trường sẽ vẫn giữ mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ xấp xỉ 15 điểm (năm 2018 có nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 13-14 điểm cho tổ hợp 3 môn xét tuyển).
Tuy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học năm 2019 (653 ngàn) giảm so với 2018 (688 ngàn), có nhiều yếu tố để dự báo điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều ngành, nhiều trường sẽ tăng, nhất là tại các trường hiện có đông thí sinh đăng ký xét tuyển (theo số liệu đăng ký xét tuyển trong đợt đầu tiên từ 1-20/4/2019). Yếu tố đầu tiên như vừa nêu, đó là do điểm thi năm nay cao hơn, đặc biệt là các khối xét tuyển A, A1 và B. Hai là nhiều trường đã dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển theo các phương thức khác (ưu tiên xét tuyển thẳng, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực), do đó chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT QG giảm đi khá nhiều.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố mức điểm ngưỡng xét tuyển cho khối ngành sư phạm đào tạo giáo viên và khối ngành khoa học sức khỏe có cấp giấy chứng nhận hành nghề và sau khi các trường đại học, cao đẳng công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (trước ngày 21 và 22/7/2019), chắc chắn hơn 650 ngàn thí sinh đã đăng ký xét tuyển dựa trên điểm thi THPT QG sẽ có cân nhắc để quyết định có cần thiết điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các nguyện vọng đã đăng ký không trong thời gian từ 22/7 đến 17g 29/7/2019 (phương thức điều chỉnh trực tuyến) hoặc 17g 31/7/2019 (phương thức điều chỉnh bằng phiếu).
Nguồn: TS Nguyễn Đức Nghĩa/VietnamNet