Với Hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên minh Á - Âu (gồm bốn thành viên chính là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia) có hiệu lực từ năm 2016 và một khoảng trống lớn trong nguồn cung hàng hóa từ việc cấm vận hàng châu Âu vào Nga, hàng VN đang đứng trước cơ hội lớn thâm nhập thị trường này.
Nhiều mặt hàng có thuế 0%
Bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc Công ty TNHH cá sấu Việt Phong (TP.HCM), đang trong những ngày tất bật chào những lô hàng đầu tiên gồm các mặt hàng túi xách, thắt lưng bằng da cá sấu với các đối tác tại thị trường Nga. Quan tâm thị trường Nga rất lâu nhưng đến nay bà Thanh mới mạnh dạn đưa hàng sang thị trường này nhờ “động lực” từ Hiệp định thương mại tự do liên minh Á - Âu.
Từ một showroom ở TP.HCM, khách đến mua hàng chủ yếu từ Nga với nhiều “gu” khác nhau, bà Thanh dần dà có một lượng khách Nga khá lớn mỗi khi chọn VN để đi du lịch. Thậm chí có du khách sau chuyến đi du lịch tại VN đã quyết định quay trở lại mua hàng số lượng lớn để đem về bán, khi đó bà Thanh đặt câu hỏi tại sao không thử đem hàng sang thị trường này?
Đầu tháng 8-2015, khi sang Nga khảo sát thị trường, bà Thanh nhận thấy dù đồng nội tệ nước này đang giảm giá nhưng giá hàng của VN vẫn hết sức cạnh tranh. “Hiện nay đưa hàng vào Nga có hai cách áp thuế, theo ký và theo mặt hàng.
Nhóm hàng túi xách làm bằng nguyên liệu da động vật mà công ty đang sản xuất chịu thuế suất 16,3%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 18%, tôi sẽ chọn tính thuế theo từng mặt hàng. Tuy nhiên từ năm 2016, nhóm hàng này sẽ được miễn thuế nhập khẩu (giảm từ mức 10-16,3% về mức 0%) ngay sau khi hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, hàng của tôi hoàn toàn cạnh tranh được” - bà Thanh nói.
Không chỉ doanh nghiệp VN chủ động tìm đường sang thị trường khu vực này, gần đây nhiều doanh nghiệp Nga cũng bắt đầu đến VN tìm kiếm đối tác. Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty túi xách Miti, cho biết tuy chưa từng làm ăn với đối tác Nga nhưng đã có một số doanh nghiệp Nga đến công ty tìm hiểu sản phẩm túi xách để đặt hàng.
“Chưa nói gì cụ thể nhưng ban đầu cho thấy đối tác đòi hỏi yêu cầu khá cao về chất lượng, họ muốn có sản phẩm tốt để thay thế hàng từ châu Âu” - ông Kiên nói.
Trong lĩnh vực thực phẩm, mới đây Liên đoàn Quốc gia các nhà sản xuất sữa của Nga cũng đến VN tìm cách liên hệ với một số công ty sản xuất sữa VN để tìm nguồn cung cho thị trường trong nước. Ông Nguyễn Cảnh Sơn, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcơva (Incentra), cho rằng ngay cả nhóm hàng bánh kẹo, công nghệ của VN chưa hẳn bằng Nga nhưng nếu doanh nghiệp Việt có nhiều sản phẩm khác nhau thì vẫn có cơ hội thâm nhập thị trường này.
Khó tìm thấy gạo Việt
Ông Nikolai Rapustkin, đại diện thương mại Liên bang Nga tại VN, cho rằng phía Nga cũng muốn đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là từ VN, nhằm ổn định thị trường Nga. “Về mặt hàng nông sản, các nước thành viên sẽ dành cho VN lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo có xuất xứ tại VN hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Đây là một lợi thế cần tận dụng vì gạo VN được đánh giá rất cao nhưng hiện nay trên thị trường Nga phần lớn là gạo Thái Lan, rất khó tìm được gạo VN” - ông Nikolai Rapustkin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chi phí vận tải cao là một trong những yếu tố khiến hàng hóa VN vào thị trường này có giá cao, khó cạnh tranh. Ngoài ra, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thủ tục hải quan sang Nga, Belarus... thường không rõ ràng, làm chậm quá trình thâm nhập thị trường của doanh nghiệp.
Trong khi đó, phương thức thanh toán doanh nghiệp Nga thường dùng chuyển tiền hơn là mở L/C, thời hạn thanh toán chủ yếu trả chậm, đồng nội tệ không phải là đồng tiền mạnh dẫn đến biến động tỉ giá khá lớn.
Một vấn đề nữa, theo ông Nikolai, là rủi ro hàng hóa các quốc gia lân cận “núp bóng” hàng VN để hưởng các ưu đãi thuế suất là hoàn toàn có thể xảy ra. Do lo ngại nước thứ ba sẽ hưởng ưu đãi này và hàng hóa xuất khẩu sẽ ồ ạt đổ vào thị trường nên hiệp định áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng đối với một số mặt hàng.
Hàng hóa xuất khẩu từ VN vẫn chịu sự hạn chế về số lượng (tính theo ký) nếu số lượng nhập khẩu trong bất kỳ năm nào vượt quá mức ngưỡng tương ứng của năm đó được quy định trong hiệp định.
Bỏ lỡ cơ hội vì thiếu thông tin
Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và VN chỉ hơn 2,5 tỉ USD, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu từ thị trường TP.HCM sang Nga chỉ đạt 288 triệu USD, quá khiêm tốn so với năng lực doanh nghiệp của TP.
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đang thiếu thông tin, đặc biệt nhóm hàng hóa nông thủy sản qua chế biến, hàng may mặc...
Dệt may, thủy sản... có lợi thế
Theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu từ năm 2016, ngay khi có hiệu lực, rất nhiều nhóm hàng từ VN nhập khẩu vào Nga được miễn thuế như giày thể thao, giày da tự nhiên; các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó, đậu phụng; các loại hoa quả tươi hoặc sấy khô; đồ trang trí bằng mây tre đan; đặc biệt hầu hết sản phẩm may mặc...
Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, khẳng định nhìn qua hiệp định này, ba ngành có lợi thế lớn nhất là thủy sản, dệt may và da giày. Nhưng không chỉ có vậy, việc cấm vận nhiều mặt hàng từ châu Âu vào Nga đã tạo ra một khoảng trống lớn về nguồn cung hàng hóa, đây là điều kiện rất thuận lợi cho hàng hóa VN thâm nhập thị trường này.
Theo Như Bình
Tuổi Trẻ
Nguồn:Tuổi Trẻ