menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng chiều ngày 13/10/2021 thế giới tăng, trong nước ổn định

16:28 13/10/2021

Hôm nay, giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng; vàng trong nước tăng biến động nhẹ, SJC giữ nguyên mức 58,07 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 57,35 triệu đồng/lượng - bán ra 58,07 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 57,15 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 57,95 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 57,40 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 58 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 57,50 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 58 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng thế giới 1.761 – 1.769USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 13/10 giao dịch quanh ngưỡng 1.761 – 1.769 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng tăng trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo trước là 6%.
Có thể thông tin này khiến giới đầu tư tài chính suy đoán tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại. Từ đó, họ ồ ạt bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản…giảm điểm rất mạnh. Trong khi đó, giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng nóng lên. Hãng Bloomberg đưa tin nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên. Áp lực mới nhất đối với nguồn cung năng lượng đến từ Trung Quốc khi các khu vực khai thác trọng điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Do giá năng lượng "leo thang" nên giới đầu tư lo ngại lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Theo đó, họ tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào thị trường vàng. Giá vàng hôm nay khởi sắc là tất yếu. Tuy nhiên, nhận định về triển vọng giá vàng, Ngân hàng ABN AMRO 'vẫn tiêu cực', thậm chí rơi thảm xuống mức giá 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022.
Theo phân tích của Georgette Boele, kể từ tháng 6, vàng đã bị mắc kẹt trong một xu hướng giảm, với đồng USD mạnh hơn và lợi tức kho bạc Mỹ cao hơn, đang gây áp lực lên giá vàng. Ngoài ra, thị trường đã bắt đầu định giá trong một đợt tăng lãi suất nhanh hơn của Fed do lo ngại lạm phát, tình hình đang đè nặng lên vàng.
"Các nhà đầu tư đã điều chỉnh kỳ vọng của họ liên quan đến Fed. Họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trước đó. Hơn nữa, lợi tức kho bạc Mỹ và lợi tức thực tế 2 năm đã tăng phản ánh điều này. Ngoài ra, đồng USD đã tăng 5 % trong năm nay. Giá vàng có xu hướng suy yếu khi USD tăng giá", chuyên gia của ABN AMRO giải thích.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng mạnh bất chấp đồng USD tăng vọt. Giới đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao trong bối cảnh giá năng lượng tăng dữ dội trong những phiên gần đây.
Các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều nhưng phần lớn giảm điểm. Giới đầu tư lo về nguồn cung năng lượng, trong đó có khí đốt khi mà mua đông đang tới gần. Sự thiếu hụt than và khí tự nhiên có thể khiến sức cầu đối với các mặt hàng này tăng mạnh.
Áp lực mới nhất đối với các nguồn cung năng lượng là việc giá than đá tăng vọt ở Trung Quốc khi mà nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Chi phí giá điện cao cũng đã ảnh hưởng tới giá mặt hàng kim loại. Giá nhôm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Giới đầu tư cũng lo ngại cho thị trường tài chính thế giới sau khi ông lớn bất động sản Trung Quốc Evergrande tiếp tục không thực hiện một khoản thanh toán nợ lớn mới.
Các nhà kinh tế thường theo dõi chặt chẽ các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều khả năng Fed sẽ thông báo cắt giảm chương trình mua trái phiếu trước cuối năm nay.
Ngân hàng Hà Lan vẫn dự báo tiêu cực đối với kim loại màu vàng trong phần còn lại của năm nay và thậm chí là cả năm tới, với lý do các điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn thế giới và USD mạnh hơn.

Nguồn:VITIC