menu search
Đóng menu
Đóng

Lạm phát 7 tháng đầu năm 2015 thấp nhất 10 năm

10:26 24/07/2015

Vinanet - CPI cả nước tháng 7 tăng 0,13% so với tháng 6/2015 và mới chỉ tăng 0,68% so với cuối năm 2014.
Ngày 24/7, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,68% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,25%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,15%; Giao thông tăng 0,16%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16% và Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%.

Chỉ số giá nhóm Giáo dục gần như không tăng. Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2015 tăng chủ yếu do tháng 7 năm 2015 diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2015, cùng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,32%, nước sinh hoạt tăng 0,22.%.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2015, giá dịch vụ y tế ở TPHCM được điều chỉnh tăng ở một số quận (theo lộ trình quy định trong Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012) làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,15% so với tháng trước.
CPI tháng 7 trong vòng 10 năm gần đây
So sánh trong 10 năm gần đây, CPI tháng 7/2015 so với tháng 12 tăng thấp nhất và tăng dưới 1%. Loại trừ năm 2012, CPI tháng 7/2015 so với tháng trước cũng có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.
CPI tháng 7 tháng đầu năm 2015 ở mức thấp nhất trong 10 năm qua
Không nằm trong rổ tính CPI, tỷ giá USD khá ổn định do nguồn dự trữ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Tỷ giá dao động quanh mức 21.835 đồng/USD.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,04% so với cùng kỳ.  
 
Lạm phát cơ bản tháng 7/2015 so với tháng 6 năm 2015 tăng 0,13% có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương.

Phạm Hà Nam